Thu hàng chục tỷ đồng của dân sao dễ thế? Câu trả lời đầu tiên là người dân sẽ không nộp một khoản tiền lớn như vậy nếu họ không có lợi. Và họ có lợi thật. Theo kết luận của Đoàn Thanh tra: Vì thu được tiền “ủng hộ” nên chính quyền các địa phương trên rất “dễ dãi” trong việc cấp sổ đỏ, thậm chí còn ban phát đất đai cho các hộ dân một cách hào phóng. Như vậy, có thể thấy ngay được bản chất của khoản tiền “ủng hộ” ở đây là tiền “bôi trơn” để vận hành pháp luật sai trái. Nếu không nộp tiền để “bôi trơn” thì người dân đợi đấy mà nhận sổ đỏ, cho dù giấy tờ có hợp lệ tới đâu. Còn nếu nộp tiền ủng hộ thì dẫu có sai nguyên tắc vẫn được cấp sổ đỏ như thường.

Câu trả lời thứ hai là không hề dễ nếu cấp trên không “bật đèn xanh”. Và huyện Thủy Nguyên đã “bật đèn…” khi qui định: Ngoài phí và lệ phí, huyện thu thêm mỗi sổ đỏ 6.000 đồng và trong một thời gian ngắn, số tiền thu được đã lớn hơn 150 triệu đồng. Thấy huyện làm sai, xã  “nước đục thả câu” ban hành quy định táo bạo hơn: Mỗi hộ xin cấp sổ đỏ phải “ủng hộ” từ 6 đến 25 triệu đồng. Từ năm 2004 đến năm 2007, UBND xã Thủy Đường đã thu trái pháp luật của 205 hộ dân được cấp đất với tổng số tiền là 3,24 tỷ đồng. Tại xã Hòa Bình cũng vậy, thậm chí có những hộ dân phải ủng hộ tới 240 triệu đồng, nên tổng số tiền thu được lên tới 12,3 tỷ đồng. Rồi UBND thị trấn Núi Đèo cũng thế, thu được 10,1 tỷ đồng.

Đến đây, lại một câu hỏi được đặt ra: huyện Thủy Nguyên có được cấp trên “bật đèn xanh” hay không? Theo kết quả thanh tra, tất cả số tiền thu được sau khi đã quy tập về huyện Thủy Nguyên, các vị phó chủ tịch của huyện đã quyết luôn cho chính quyền xã, thị trấn chủ động giải ngân vào mục đích xây dựng hạ tầng nông thôn mà không báo cáo với UBND thành phố. Như vậy, không có chuyện TP. Hải Phòng “bật đèn xanh”, mà huyện Thủy Nguyên tự ý làm liều. Thanh tra TP. Hải Phòng kết luận: Việc chính quyền một số xã, thị trấn thu trái phép tiền đóng góp của các hộ dân khi được cấp đất… là trách nhiệm của lãnh đạo UBND huyện Thủy Nguyên.

Trong vụ viêc này, tạo nên con số 25,6 tỷ đồng “bôi trơn” có tới 3 đối tượng sai phạm: các hộ dân nộp tiền - cán bộ xã, thị trấn thu tiền - cán bộ huyện “bật đèn xanh” và không báo cáo cấp trên. Đương nhiên ai là người vi phạm nặng nhất trong 3 đối tượng trên thì đã rõ. Điều cần làm rõ là số tiền thất thoát, tham nhũng nấp trong việc “chủ động giải ngân” tiền tỉ tại 3 xã và thị trấn kể trên./.