“Cái đẹp của người phụ nữ hay bất kỳ ai khi tham gia giao thông, trước hết phải thể hiện qua ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng cộng đồng, và phải toát lên từ cách ứng xử văn hoá giao thông”, một thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ và xe hơi nêu quan điểm.”

Xã hội ngày càng hiện đại, điều kiện kinh tế đi lên thì hình ảnh phụ nữ lái xe hơi ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố, nhất là tại các đô thị. Không chỉ lái xe cá nhân, xe gia đình, nhiều phụ nữ còn lái xe taxi và tạo được ấn tượng tốt với khách hàng, người tham gia giao thông vì sự cẩn thận, ý thức chấp hành pháp luật và cách ứng xử mềm mại, khéo léo với khách hàng, thể hiện nét đẹp văn hoá giao thông.

phu_nu_lai_xe_seha.jpg
Đi giày cao gót khi lái ô tô rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Tuy nhiên, có những trường hợp chị em phụ nữ vì kinh nghiệm lái xe còn non, lại chủ quan, chưa ý thức hết được các nguy cơ trên đường, đặc biệt là vẫn giữ những thói quen tuỳ tiện, nguy hiểm như: dừng đỗ, tấp vào lề đường bất ngờ để ghé quán hàng, ăn uống, mải mê điện thoại... khiến xao nhãng tay lái, làm tăng nguy cơ mất an toàn, và tạo những hình ảnh không đẹp, không phù hợp với văn hoá giao thông.

Với chị Chu Thanh Vân ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, việc tập trung lái xe ô tô là điều rất khó khăn bởi tính chất công việc và phải thường xuyên đưa đón con nhỏ khiến không tránh khỏi những khoảnh khắc chị bị phân tâm.

Dẫu nhận biết được mức độ nguy hiểm của việc không tập trung khi lái xe ô tô nhưng chị Vân chia sẻ, nhiều lúc những tình huống bất ngờ xảy ra, như khi có những cuộc điện thoại gấp thì tôi bắt buộc phải nghe, hoặc những khi phải quay lưng lại lấy đồ hay nhắc nhở các con. Khi đó, chị cố gắng tập trung cao độ và tin tưởng vào khả năng xử lý của bản thân.

Tự tin khi lái xe là cần thiết, nhưng nhiều khi chính sự tự tin thái quá cộng với kinh nghiệm non kém đã dẫn đến những hậu quả khôn lường cho tính mạng của người điều khiển phương tiện giao thông khi lưu thông trên đường.

Chị Vũ Phương Thảo ở Đống Đa, Hà Nội từng nhiều lần làm việc riêng trong khi lái xe ô tô. Chính những hành động chủ quan đó đã cho chị Thảo một bài học đáng nhớ. “Một lần, khi đang lái xe, chuông điện thoại reo, theo phản xạ, tôi nhìn vào điện thoại xem ai gọi hay ai nhắn tin. Tôi cảm thấy tay lái đánh sang làn đường bên cạnh rất nguy hiểm, thiếu chút nữa thì gây ra tai nạn giao thông. Bản thân tự nhủ là lần sau sẽ không bao giờ làm việc riêng trên xe nữa”, chị Thảo thổ lộ.

Một số chị em phụ nữ khác chưa lường hết được các rủi ro trong khi lái xe, nên đặt vấn đề hình thức lên trên nguyên tắc an toàn. Điển hình như việc sử dụng giày cao gót mũi nhọn khi lái xe.

Chị Đào Thị Thanh Hải ở đường Hoàng Minh Giám (Hà Nội) người có kinh nghiệm lái xe ô tô nhiều năm ở Hà Nội cho rằng, việc vừa ăn hay vừa nghe điện thoại vốn đã rất nguy hiểm, nhưng việc đi giày cao gót khi lái ô tô còn nguy hiểm hơn nhiều. Giày cao gót thường có bề mặt tiếp xúc rất nhỏ nên dễ gây hiện tượng trượt chân khỏi bàn đạp.

Những tình huống đạp nhầm chân ga với chân phanh là điều khó tránh khỏi. Điển hình là vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra trên Quốc lộ 14 (đoạn qua thị trấn Ea Đ’răng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) khiến cho 2 người chết và 8 người bị thương vào cuối năm 2014, nguyên nhân là nữ tài xế không quen tay lái, bị luống cuống, đạp nhầm chân ga thay vì đạp phanh. Và trường hợp tai nạn này không phải duy nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc lựa chọn trang phục, giày dép sao cho an toàn khi lái xe, chị Đỗ Thị Việt Hà, ở đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) chia sẻ cách để có thể vừa lái xe an toàn mà vẫn hoàn toàn có thể làm duyên với những đôi giày thời trang: “Tôi thường để riêng đôi dép bệt trên xe để dùng mỗi khi lái xe. Còn đôi guốc thì để cạnh để lúc xuống xe có thể đi cho hợp với trang phục”.

Nói về những thói quen “nguy hại” của chị em phụ nữ khi lái xe, một nam giới tại Hà Nội bày tỏ lo ngại: “Tôi thực sự thấy ái ngại. Có hôm tôi đi trên cao tốc, tôi thấy có chị vừa đi vừa nhắn tin.

Còn trong phố, chị em chạy tà tà ngắm quần áo hàng quán bên đường là chuyện thường, lại còn vừa lái vừa tô son điểm phấn… Chưa kể, lái xe còn non mà vội chạy xe nên sự cố xảy ra là đương nhiên”.

Chị Vũ Minh Hằng, thành viên CLB Phụ nữ và xe hơi, một người có nhiều năm kinh nghiệm lái xe cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến những hành vi như vậy khi phụ nữ lái xe.

“Do nhận thức, do kỹ năng lái xe, nhưng cũng là do tính cách của từng người không cẩn thận, lại không ý thức được mức độ nguy hiểm của những sự cẩu thả đó nên rất nguy hiểm... Nếu không tự mình thay đổi, nhận thức được vấn đề thì tai nạn giao thông sẽ còn luôn rình rập” - chị Hằng nhận định./.