Chùa Tuệ Giác, nơi sinh hoạt tôn giáo, tâm linh của cộng đồng bà con người Việt nằm ở trung tâm thủ đô Budapest – Hungary. Chùa được khánh thành vào tháng 7/2015.

Chúng tôi đến chùa vào đúng dịp bà con đang tổ chức lễ cầu siêu cho các liệt sĩ ở Hoàng Sa-Trường Sa. Giữa trời Âu, trong tuyết rơi giá lạnh, nghe tiếng chuông chùa bỗng thấy lòng ấm lại và có cảm giác như mình đang ở quê nhà.

vov_chua_2_ldje.jpg

Tiếp chúng tôi, ông Trịnh Tuấn Anh- Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Hungary cho biết: Trước đây, bà con đến các chùa của người Hoa để lễ Phật. Cách nay 9 năm, được sự ủng hộ của Đại sứ quán và Giáo hội, đã chính thức thành lập Hội Phật tử tại Hungary, việc sinh hoạt của bà con phật tử đi vào nề nếp. Đây cũng là ước nguyện của đa số người dân tại đây, có nơi để sinh hoạt Phật giáo, văn hóa, phát triển truyền thống văn hóa của người Việt. Hàng tuần có 2 khóa lễ tụng kinh vào rằm, mùng 1. Những ngày lễ lớn của Phật giáo như Thượng nguyên, Rằm Tháng giêng. Lễ Vu Lan, rằm tháng bảy… đều có lễ lớn, bà con tham gia ngày càng đông. Tết đến, nhà chùa tổ chức sinh hoạt cộng đồng, lễ đầu năm, cầu an và tổ chức văn nghệ, chúc tết, cầu may… Tết dương lịch vừa rồi, nhà chùa cũng tổ chức đón xuân. Từ trưa bà con sang nấu ăn, chia sẻ những chuyện buồn vui của gia đình, con cái.

“Do điều kiện bà con sống ở nước ngoài, xa quê hương, luôn có nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh. Ngoài tôn giáo, Phật giáo thì bà con đến đây còn nhu cầu lớn về giao lưu, hướng về văn hóa cội nguồn, cảm thấy đỡ nhớ quê hương hơn. Bà con sinh hoạt dưới một mái nhà chung cũng cảm thấy gần gũi hơn, chia sẻ các mối quan hệ để cùng lo cho việc quê nhà hay chia sẻ những lúc ốm đau, gia đình có việc” – ông Trịnh Tuấn Anh cho biết.

Để có được ngôi chùa Tuệ Giác hôm nay có một phần đóng góp rất lớn của ông Vũ Quý Dương – Giám đốc Trung tâm thương mại Thăng Long. Trước kia, trung tâm cho bà con mượn 400m2 để làm niệm phật đường, tổ chức các kỳ đại lễ… sau đó mới chuyển sang vị trí hiện tại với diện tích 380 m2. Ông Vũ Quý Dương ủng hộ 10% kinh phí xây dựng chùa. Lúc đầu dự kiến 100.000 USD đến khi làm xong thì phát sinh lên tới 120.000 euro. Theo ông Tuấn Anh, “Số tiền đó với bà con ở Hungary nếu lúc chưa làm mà nghĩ tới thì không dám làm. Sự nhiệt thành của bà con đã tạo dựng được một cơ ngơi như hôm nay”.

Có mặt dịp này ở Budapest, Đại đức Thích Minh Luận cho biết, ông rất cảm động vì tinh thần gắn kết của người Việt sống xa quê, quan tâm, giúp đỡ nhau vượt khó khăn. Nhiều người thế hệ thứ 2, thứ 3 vẫn giữ được tinh thần của người Việt. Hiện nay có nhiều người thành đạt, họ gắng dành tâm lực hỗ trợ cộng đồng. Họ thường xuyên tổ chức các hoạt động gây quỹ cho cộng đồng. Hiện có quỹ cho người già, người vô gia cư, trẻ em. Hoặc có những người lao động lâu năm nhưng không có điều kiện về nhà thì họ mua vé cho thăm nhà.

Cùng tham gia lễ cầu nguyện cho các liệt sĩ Trường Sa, Hoàng Sa, bà Trần Thị Hạnh (hiệu Quảng Diệu) cho biết: Trước đây chưa có chùa thì bà theo khóa học Tây Tạng. Sau đó, khi có niệm phật đường thì bà Hạnh quay trở về đây. “Tôi vui vì bà con cộng đồng đã nghĩ đến văn hóa quê hương, tâm linh người Việt. Khi nói xây chùa tôi thấy rất vui. Vì bà con có chỗ đi lại, gửi gắm tâm linh để chia sẻ, giúp đỡ nhau. Đến những ngày lễ tết tôi rất nhớ nhà. Thay vì không gần quê được thì bà con gặp mặt, chia sẻ, ăn uống nói chuyện với nhau. Đó là một phần an ủi cho những người xa quê hương lâu. Đối với tôi, làm được gì cho cộng đồng thì tôi sẽ làm”.

Còn chị Phạm Thị Quyết Tâm, đã sống ở Hungary 21 năm, cho biết: Khi ở Việt Nam, gia đình chị thường xuyên tham dự các lễ hội Phật giáo. Chị tâm sự: “Sang bên này, khi chưa có chùa chúng tôi rất buồn. Sau những tháng vất vả, cộng đồng người Việt có ngôi chùa rất ấm cúng. Bây giờ chúng tôi có cảm giác như đang ở Việt Nam. Đến giờ, tôi rất hoan hỉ và bằng lòng với cuộc sống ở Hungary”.

Chùa Tuệ Giác là nơi để các phật tử ở Budapest tìm về những dịp lễ tết truyền thống của dân tộc. Nhưng theo các phật tử ở đây, điều thiệt thòi là chùa nhưng không giống chùa ở Việt Nam; kiến trúc ngôi chùa cũng chưa đúng với các kiến trúc chùa chiền của Phật giáo và không phải lúc nào cũng có các sư thầy trong chùa.

“Có gì khó khăn chúng tôi lại điện thoại về hỏi các thầy ở nhà. Các thầy sang đây thì lại phải quan tâm nhiều nơi. Các phật tử cũng không được ở với các thầy lâu. Giáo hội cũng chưa sắp xếp được nhân sự cho chùa Tuệ Giác” – ông Trịnh Tuấn Anh chia sẻ./.