Vì nhiều lý do phải xa quê sang Lào lập nghiệp, cộng đồng người Việt ở xứ sở Triệu Voi vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ về quê Cha đất Tổ với những phong tục, tập quán mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
80 năm sinh sống tại Lào, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là gia đình cụ Nguyễn Thị Thúy ở bản Khamsawat, mương Saysettha, thủ đô Vientiane cũng làm lễ tiễn đưa ông Công ông Táo về Trời. Cụ nói, ngày xưa cuộc sống còn khó khăn , lễ cúng đơn giản thôi, nhưng cụ vẫn luôn giữ lệ của ông bà tổ tiên người Việt mình.
“Mình là người Việt Nam mà. Đây là phong tục cổ truyền, đời này truyền cho đời kia. Bố mẹ truyền lại cho tôi, tôi già rồi thì truyền lại cho con cháu để mãi mãi nhớ đến phong tục của dân tộc Việt Nam”, cụ Thúy cho hay.
Giờ đã tuổi cao sức yếu, mọi việc cụ Thúy giao hết cho con cháu. Về làm dâu cụ mười mấy năm nay, chị Trần Thị Loan luôn chu toàn mọi việc. Trong nhà ngoài ngõ, từ chuyện kinh doanh đến chăm sóc, nuôi dạy con cái, vợ chồng chị đều cố gắng gìn giữ nếp nhà. Ông bà, bố mẹ, con cháu giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt; giỗ chạp, lễ tết đều theo phong tục của người Việt ở quê nhà. Theo chị Loan, đó là văn hóa, là truyền thống của dân tộc cần phải trân trọng, giữ gìn.
“Đã là người Việt Nam thì phải giữ được phong tục truyền thống của người Việt mình. Cứ 23 tháng Chạp hàng năm, gia đình mình vẫn cúng ông Công ông Táo bình thường. Từ thế hệ này phải truyền cho thế hệ sau, để cho con cháu lúc nào cũng biết mình có nguồn gốc là người Việt Nam”, chị Loan chia sẻ.
Sang Lào lập nghiệp từ những năm 1990, vợ chồng anh Phạm Văn Hải ở bản Phonxay, mương Saysettha cũng được xem như một người thành đạt với chuỗi cửa hàng sản xuất và bán bàn ghế văn phòng cao cấp tại thủ đô Vientiane. Anh cho biết, bao năm nay, dù bận bịu đến mấy, dịp này cũng phải dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, giúp vợ chuẩn bị bánh trái, xôi chè, vàng mã cho mâm cỗ cúng đưa ông Công ông Táo về Trời, tống tiễn nhưng xui xẻo của năm cũ, cầu mong năm mới làm ăn thuận lợi hơn. Không chỉ gìn giữ phong tục tập quán của ông bà, với anh, việc truyền dạy cho con cái giá trị, ý nghĩa những phong tục, lễ tết của dân tộc là cách để thế hệ sau biết trân trọng văn hóa truyền thống, về đời sống tâm linh, tín ngưỡng, giúp con cái dù đi đâu, làm gì, cũng không quên nguồn cội của mình.
“Tôi phải dặn dò hết, từng li từng tí, cho dù con có đi đâu, ở nước nào đi nữa thì mình vẫn phải giữ được phong tục của Việt Nam mình , truyền thóng của ông bà, cha mẹ mình để lại. Sau này nếu ba mẹ không làm được nữa thì các con làm, rồi chỉ bảo cho con cái làm. Mình phải giữ được cái truyền thống như vậy để con cái biết được phẩm cách của người Việt, tha phương nhưng vẫn hướng về quê cha đất tổ”.
Không chỉ anh Hải, chị Loan, với phần lớn người Việt định cư tại Lào, dù là gia đình thuần Việt, hay là xây dựng gia đình với người Lào, thì văn hóa Việt vẫn luôn được duy trì trong sinh hoạt gia đình. Gìn giữ những sinh hoạt tín ngưỡng, thờ cúng mang tính truyền thống của dân tộc là một cách để gìn giữ văn hóa.
Tuy không đông đúc và phong phú như phố Hàng Mã ở Hà Nội, nhưng khu chợ bán hàng hóa, đồ cúng phục vụ lễ tết của người Việt trên phố Phonxay, thủ đô Vientiane những ngày tháng Chạp cũng rực rỡ sắc màu của đèn hoa, hương nến, bánh mứt, vàng mã, câu đối, đèn lồng... càng gần đến Tết công Công ông Táo, càng tấp nập kẻ bán người mua. Hàng hóa kiểu dáng đẹp mắt, đa dạng về chủng loại, giá cả, phù hợp với túi tiền của người mua.
Không chỉ người Việt mà những cô dâu, chú rể người Lào lấy chồng lấy vợ Việt Nam cũng theo gia đình đi mua lễ cúng ông Công ông Táo, xem như một sự trải nghiệm về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt. Bởi ai cũng biết, chỉ còn một tuần nữa thôi, bà con người Việt tại Lào sẽ hòa chung trong niềm hân hoan với người Việt trong nước, đón một cái Tết cổ truyền của dân tộc với tất cả niềm lạc quan, hy vọng về một năm mới bình yên và hạnh phúc tràn đầy./.