Khá nhiều người Việt Nam biết bà dù bà không phải là một nhà Việt Nam học – bà Sofia Kortrikova, từng giảng dạy tiếng Nga cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam khi sang Nga học năm dự bị đầu tiên. Trong số đó bà gắn bó và ghi dấu nhiều kỷ niệm nhất là lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử sang Liên Xô học tập vào năm 1954. Năm nay, tròn 60 năm diễn ra sự kiện đó, với tất cả tình yêu chân thành đối với những học trò Việt Nam, bà lại làm được một việc thật ý nghĩa: biên soạn rồi bỏ tiền túi ra in 200 cuốn giáo trình tiếng Nga dành cho người Việt mới học.
Chính vì lẽ đó tôi đã nghĩ ngay đến bà khi tìm đề tài nói về tình cảm Nga – Việt, quan hệ Nga – Việt ... trước chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, sẽ diễn ra trong những ngày tới đây. Đặc biệt là khi bà vừa hoàn thành phần biên soạn và bỏ tiền túi ra in giáo trình tiếng Nga cho người mới học là người Việt Nam.
Vẫn biết bà vô cùng yêu quý những học trò Việt Nam của mình nhưng tôi vẫn thắc mắc, động lực nào khiến bà làm việc này, khi đã ở tuổi “ngoài chín mươi”.
Bà Sofia Kortrikova trả lời: “Ý tưởng biên soạn cuốn giáo trình cho sinh viên Việt Nam xuất phát từ chính cuốn giáo trình đầu tiên của tôi tại trường Đại học Mỏ - Địa chất Moscow, đó là giáo trình cho sinh viên nước ngoài. Còn tôi soạn cuốn giáo trình này hướng tới sinh viên Việt Nam. Lý do là bởi, thứ nhất: tôi vẫn có rất nhiều người thân là người Việt đang sử dụng tiếng Nga; Thứ hai là theo tôi, tiếng Việt là ngôn ngữ rất khó, bởi vậy, đối với người Việt, học tiếng Nga cũng là rất khó nên rất cần một cuốn giáo trình nữa”.
Đó còn là lá thư của bà Đinh Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cảm ơn bà sau khi đã nhận được 30 cuốn giáo trình từ Đại sứ quán Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua .... Tất cả đều đánh giá rất cao công lao của bà và đặc biệt bày tỏ niềm xúc động trước tình cảm cao quý mà bà dành cho học trò Việt Nam, dành cho nhân dân và đất nước Việt Nam.
Chú ý đến khó khăn của người Việt học tiếng Nga
Cuốn giáo trình mang tên “Làm quen” là một khóa thực hành tiếng Nga dành cho người mới học, dày gần 220 trang với 22 bài, một từ điển rút gọn khoảng 2.000 từ nhằm giới thiệu những biến cách của danh từ và chia động từ vốn rất phức tạp trong tiếng Nga. Đặc biệt, để học sinh Việt Nam học được dễ dàng hơn, bà đã thuê người đọc và ghi âm rồi phát hành đĩa CD kèm theo mỗi cuốn giáo trình. Học sinh sẽ theo đó học đọc, nghe cho chuẩn với âm điệu Nga gốc.
Trong câu chuyện với chúng tôi về việc làm sao cho các học trò Việt Nam có thể học một cách có hiệu quả ngôn ngữ Nga, một thứ ngôn ngữ rất khác biệt với tiếng Việt... bà lại bồi hồi nhớ lại những ngày đầy khó khăn cách đây tới 60 năm, khi giáo trình còn rất thiếu, giáo viên Nga thì lại hoàn toàn không biết tiếng Việt, hay nói chung là không biết thứ ngôn ngữ của các sinh viên nước ngoài.... Vậy mà bà đã cùng họ vượt qua những khó khăn đó, vươn lên và rất nhiều người đã thành đạt.
>> Xem thêm: Suy ngẫm về Cách mạng tháng Mười Nga