Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để phát huy nguồn lực cũng như đóng góp trí tuệ của bà con Việt kiều cho sự phát triển đất nước, từ nhiều năm nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. 

Năm nay là năm Việt Nam tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua, Nghị quyết 36 đã đáp ứng được phần lớn nguyện vọng của kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài; đồng thời kêu gọi được tinh thần yêu nước, sự đóng góp rất lớn của bà con đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

 ong-do-dinh-chieu.jpg
 Giáo sư Đỗ Đình Chiểu

Để ghi nhận và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con Việt kiều từ khắp nơi trên thế giới, năm nào cũng vậy, cứ độ Tết đến Xuân về, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) lại tổ chức chương trình Xuân quê hương.

Thông qua chương trình, bà con ở Việt kiều đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài có dịp giao lưu, bày tỏ tình cảm và thưởng thức không khí Tết ở tại quê nhà.

Giáo sư Vật lý Đỗ Đình Chiểu sinh sống ở Cộng hòa Pháp được hơn 50 năm. Mặc dù mang quốc tịch Pháp nhưng trong tâm trí Giáo sư luôn nghĩ mình là người Việt Nam và mong muốn cống hiến nhiều hơn cho nền khoa học nước nhà. Hiện nay, ông đang công tác tại Đại học Monperlier (Pháp). Tuy nhiên, hàng năm, Giáo sư vẫn trở về nước 6 tháng để giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh các trường đại học.

Giáo sư Đỗ Đình Chiểu cho rằng, giới trẻ Việt Nam rất chăm chỉ, cần cù và ham học hỏi, yêu thích khoa học và có tinh thần cầu thị. Thế nhưng, hiện nay, chúng ta chưa biết phát huy những thế mạnh của các bạn trẻ đối với việc nghiên cứu khoa học. Vì vậy, để khoa học công nghệ nước nhà sớm theo kịp các nước phát triển khác, Nhà nước cần quan tâm, đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Trần Quang Lực, Việt kiều từ Ukraine cho biết, hiện nay, kiều bào ta tại Ukraine có khoảng hơn 10.000 người, sống tập trung tại các thành phố lớn như Kharcov, Kiev, Odessa, Krivorok…Mặc dù sinh sống ở nước ngoài nhưng các hoạt động văn hóa và truyền thống đón Tết cổ truyền của dân tộc vẫn được bà con gìn giữ và phát huy.

Việt kiều Trần Quang Lực chia sẻ, hiện nay, những nơi có đông người Việt sinh sống ở Ukraine đã có cả trường dạy tiếng Việt cho con em. Với hình thức học tập bằng cách cha mẹ truyền đạt cho con, hầu hết các gia đình đều sử dụng tiếng Việt để giao tiếp nên ngôn ngữ quê hương vẫn được duy trì trong cộng đồng.

 
 Chị Nguyễn Thị Vân Anh

Trở về quê hương đón Tết lần này, ông Trần Quang Lực mong muốn Nhà nước sẽ có nhiều chính sách, sự quan tâm để thúc đẩy hoạt động dạy tiếng Việt cho giới trẻ ở nước ngoài. Bên cạnh đó là tạo điều kiện tốt hơn nữa để thu hút lớp trẻ có thể về nước làm việc, góp phần thiết thực xây dựng quê hương. 

Không khí Tết ở nước ngoài vẫn như ở Việt Nam

Sinh sống và làm việc ở nơi đất khách quê người, cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả và bon chen nhưng bà con Việt kiều luôn đau đáu nhớ về quê hương.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Việt kiều tại Liên bang Nga cho biết, người Việt ở Nga có thể coi là những người vất vả nhất châu Âu nhưng tất cả mọi người luôn có ý thức giữ gìn phong tục tập quán, văn hóa dân tộc. Mặc dù sinh sống ở đất nước có tuyết rơi dày đặc nhưng năm nào cũng vậy, cứ Tết đến là bà con Việt kiều đều chuẩn bị mâm cơm cúng Tổ tiên như ở Việt Nam, tổ chức đón Giao thừa, chọn người xông đất sáng mồng Một và “lì xì” cho người già và trẻ nhỏ.Mặc dù sinh sống xa quê nhưng hầu hết bà con đều hướng về quê hương và theo dõi những tin tức, hoạt động của đất nước thông qua làn sóng Đài TNVN. Vì vậy, mỗi khi miền Trung bị bão lũ, sạt lở đất, cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga đều chung tay quyên góp ủng hộ nhằm giúp người dân ở trong nước vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

Trong buổi gặp gỡ kiều bào Tết Giáp Ngọ 2014 do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức sáng 23/1, ông Phan Văn Vượng không kìm được cảm xúc khi được giao lưu với lãnh đạo, cán bộ Đài TNVN.

Về quê hương đón Tết, ông Phan Văn Vượng, doanh nhân thành đạt tại Thái Lan bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước đã có những chính sách thiết thực, quan tâm đến kiều bào. 

Ông Vượng là thế hệ thứ hai được sinh ra và lớn lên trên đất nước Thái Lan. Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời thơ ấu. 

Những năm 1970, mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng mỗi độ Xuân về, những người Việt đang sinh sống ở nước bạn đều được ông bà, cha mẹ, người thân tổ chức Tết cổ truyền với bánh chưng xanh, câu đối đỏ... Ông còn nhớ mãi những giây phút cả nhà quây quần, hồi hộp chờ đợi nghe lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu.Chính những kỷ niệm và sự thân quen đó đã tạo dựng cho bà con Việt kiều tại Thái Lan ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, biết yêu quê cha, đất tổ, biết quý trọng thuần phong mỹ tục của dân tộc. Những truyền thống tốt đẹp này luôn được bà con truyền cho con cháu gìn giữ và phát huy.

 
Ông Lê Quang Vinh
Là một khán thính giả trung thành của Đài TNVN, ông Lê Quang Vinh đang sinh sống tại thành phố Wernigerode, CHLB Đức rất xúc động khi trở về quê hương đón Tết và đến thăm Đài TNVN.

Ông Quang Vinh cho biết, ở Việt Nam đón Tết như thế nào thì bà con ở bên Đức cũng như vậy. Hiện nay, cuộc sống hiện đại, bà con ở nước ngoài muốn mua gì là có sẵn và rất nhiều, có thể gọi người giao hàng đến tận nhà. Tuy nhiên, để chuẩn bị chu đáo cho đêm Giao thừa, nhiều người đã kỳ công tìm đến các khu chợ dành cho người Việt để mua lá dong về gói bánh chưng. Ở bên nước bạn không có cành đào, cây mai thì bà con đã tự cắt hoa để làm thành cây. Không khí đón Tết đêm Giao thừa của bà con rất đầm ấm như ở quê nhà.

Dù xa quê đến nay đã được 27 năm nhưng ông Vinh và bà con Việt kiều tại CHLB Đức luôn hướng về đất nước thông qua theo dõi tin tức trên báo Điện tử VOV và làn sóng Đài TNVN.

Ông Quang Vinh mong muốn, Đài TNVN sẽ ngày có nhiều chương trình dành cho Kiều bào ở xa Tổ quốc để  phục vụ bà con tốt hơn./.