Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh: Quan hệ giữa CHLB Đức với Việt Nam trong gần 4 thập niên vừa qua luôn phát triển và đặc biệt trong những năm gần đây quan hệ song phương có những bước tiến rất nhanh và rất thực chất.
Từ năm 2008 đến 2013, đã có 4 chuyến thăm cấp cao và rất nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng và tương đương. Thông qua các chuyến thăm này, đặc biệt trong năm 2011 với chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel, quan hệ giữa Việt Nam và Đức đã được nâng lên tầm cao mới, đó là thiết lập khuôn khổ đối tác chiến lược.
Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV |
Cũng trong chuyến thăm này, tuyên bố Hà Nội được ký kết với những nội dung chính hợp tác về nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ, về năng lượng, môi trường và phát triển.
Để thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và Đức đang không ngừng phát triển như vậy, chúng tôi lấy năm 2014 là năm trọng tâm ngoại giao kinh tế. Nói nôm na là thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và đặc biệt là chuyến thăm của Bộ trưởng các ngành kinh tế, như Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương...Thông qua các chuyến thăm này, chúng tôi cũng thúc đẩy các nội hàm hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Chúng tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, quan hệ Việt Nam và Đức sẽ còn rất nhiều dư địa để phát triển trên rất nhiều lĩnh vực.
PV:Cộng đồng người Việt đang sinh sống, lao động, học tập, công tác tại Đức đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của quan hệ Việt – Đức, thưa Đại sứ?
Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh: Với 125.000 người Việt, có thể đánh giá đây là cộng đồng rất mạnh và tuân thủ pháp luật của nước sở tại, hội nhập và phát triển tốt so với các cộng đồng ngoại kiều khác. Điều này không chỉ sứ quán chúng tôi đánh giá, nhìn nhận mà cơ quan sở tại cũng có đánh giá rất tích cực.
Trong khi thế hệ người Việt thứ nhất đã làm tốt việc hội nhập vào chính quyền sở tại, hội nhập vào đời sống xã hội, văn hóa, chính trị của nước sở tại thì thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Việt lại rất thành công trong nhà trường, trong học tập và đặc biệt là giới trí thức trẻ. Các lãnh đạo của Đức cũng như người Đức đánh giá con em người Việt học rất tốt và họ luôn lấy đó làm tấm gương cho các cộng đồng người nước ngoài khác tại Đức học tập.
Những thành tựu mà tôi vừa nêu của cộng đồng người Việt tại Đức đã góp phần giúp khẳng định địa vị pháp lý, địa vị về kinh tế, địa vị trong xã hội, địa vị về chính trị của người Việt tại nước Đức. Ngoài ra, cũng phải kể đến đóng góp của hơn 100 hội, đoàn tại đây đã tập hợp bà con cộng đồng đoàn kết và giúp đỡ, tương thân, tương ái với nhau.
Bà con cộng đồng nói chung và giới trí thức, giới doanh nghiệp, giới sinh viên nói riêng ngày càng tích cực chủ động liên hệ với Đại sứ quán và các cơ quan của Việt Nam để tổ chức các hoạt động có ý nghĩa cho bà con cộng đồng và gắn kết với cộng đồng người Việt Nam ở các nước lân cận cũng như trên thế giới. Tôi đánh giá rất cao vai trò cầu nối cộng đồng Việt Nam tại Đức trong thời gian vừa qua đã làm được rất nhiều việc.
PV:Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí cộng đồng nói chung và Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng đối với đời sống tinh thần của kiều bào ở Đức?
Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh: Hiện nay, báo chí cộng đồng phát triển rất mạnh, tương đối là hùng hậu và đã chuyển tải được giá trị tinh thần thể hiện trong hoạt động thông tin lại những hoạt động văn hóa, hoạt động xã hội của bà con trong cộng đồng và mang lại giá trị tinh thần rất lớn.
Báo chí là món ăn tinh thần không thể thiếu với cộng đồng người Việt ở Đức, bên cạnh báo chí từ trong nước chuyển sang, còn có một số tờ báo dành riêng cho cộng đồng (Trong ảnh: Một cửa hàng văn hóa phẩm ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân, Berlin, Đức) |
Trong cuộc sống mưu sinh rất vất vả, được đọc và được nghe những giá trị đó, tôi nghĩ là đó là điểm tựa tinh thần cho bà con. Tôi đánh giá cao vai trò đó. Một điểm nữa mà tôi nghĩ báo chí cộng đồng cũng làm được là đã chuyển tải được giá trị nhân văn của con người và xã hội Đức đến với bà con cộng đồng, giúp bà con hội nhập tốt hơn.
Còn riêng đối với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), có lẽ tôi cũng xin phép được nói thêm, tôi là một trong những độc giả rất là gắn bó với các chương trình của VOV, đặc biệt là VOV online với những thông tin rất nhanh, rất cập nhật. Các bạn đã biên dịch, chuyển tải sang các thứ tiếng nước ngoài rất nhanh.
Tôi nghĩ đây là một hình thức để chuyển tải thông tin trong nước đến với bà con cộng đồng ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế. Bây giờ trong thời đại của kỹ thuật số, của thông tin thì đó là cách tiếp cận hiệu quả nhất. Vì vậy, tôi xin chúc mừng VOV ngày càng phát triển và cũng mong trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều ngôn ngữ khác nữa trong chương trình của VOV.
PV:Thời điểm Tết Giáp Ngọ 2014 đang đến rất gần. Xin Đại sứ cho biết những hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức để giúp kiều bào ta đón Tết cổ truyền, cũng như giữ gìn truyền thống văn hóa của người Việt nơi xa xứ?
Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh: Cũng như mọi năm, năm nay, chúng tôi tổ chức cho kiều bào đón Tết sớm vào ngày 25/1. Bà con các hội đoàn đặc biệt là các hội đoàn tiêu biểu trong cộng đồng được mời đến tham dự, khoảng 800 người. Chúng tôi cũng mời cả những bạn bè Đức thân thiết, bạn bè Quốc tế, các Đại sứ quán, nhất là trong các nước ASEAN, các nước có văn hóa rất gần gũi với chúng ta tới dự.
Chúng tôi được Chính quyền thành phố Berlin cho phép tổ chức tại tòa thị chính của thành phố. Đây có thể coi là niềm tự hào nho nhỏ, cho thấy sự hiện diện của rất hữu hình của cộng đồng người Việt tại thành phố Berlin nói riêng và nước Đức nói chung. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân các cán bộ của Đại sứ quán đi tham gia hoạt động đón Tết của các hội đoàn của bà con ở các tỉnh, thành phố khác trong nước Đức.
Nhân dịp Tết Giáp Ngọ, tôi xin gửi lời chúc đến tất cả các thính giả nghe VOV cũng như theo dõi VOV online với những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời, cho tôi gửi đến bà con cộng đồng người Việt Nam ở Đức lời chúc mừng thành công, hội nhập, và chúc cho cộng đồng người Việt Nam ngày càng đoàn kết và phát triển.