Trong chuyên mục mùa hè của báo Nhân Đạo Pháp (l'Humanité) mới đây (27/7) có đăng bài viết "Nhà báo Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh)" của Alain Ruscio, sử gia Pháp chuyên về chiến tranh Đông Dương.

Bài viết chiếm trọn một trang báo, nói về hoạt động của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc tại Pháp giai đoạn 1918-1923 trong vai trò một nhà báo, không chỉ là chủ bút của tờ "Le Paria" (Người cùng khổ) mà còn có nhiều gắn bó với tờ "l'Humanité" (Nhân đạo). Bài viết được minh họa bằng ảnh Nguyễn Ái Quốc tham luận tại Hội nghị Tours tháng 12/1920 và bài viết của Nguyễn Ái Quốc đăng trên tờ "l'Humanité" ngày 25/5/1922.

nguyen_ai_quoc_nhan_dao_qifk.jpg
Bài viết của sử gia Ruscio về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, đăng trên website Báo Nhân đạo (Pháp).

Theo bài viết, cái tên Nguyễn Ái Quốc chỉ được độc giả của l'Humanité và nhiều người Pháp quan tâm tìm hiểu kể từ khi biết đó chính là Hồ Chí Minh, tên của vị Lãnh tụ Việt Nam xuất hiện từ năm 1942.

Trong khoảng thời gian từ 1918-1923, Nguyễn Ái Quốc tới sống ở Pháp. Toàn bộ tiểu sử của Người xác nhận đây là giai đoạn quyết định trong nhận thức và định hướng chính trị, khúc dạo đầu cho một cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi hiếm thấy. Buổi đầu ở Pháp, sự hiểu biết chính trị của Nguyễn Ái Quốc còn chưa cao, theo tiêu chí của người châu Âu. Tuy nhiên, người thanh niên ấy xác định rất rõ điều mình mong muốn, đó là: giải phóng đất nước. Và ý thức được những hạn chế của phong trào dân tộc chủ nghĩa, Nguyễn Ái Quốc tìm kiếm con đường mới cho khát vọng này.  

Nguyễn Ái Quốc khi ấy đã lui tới nhiều diễn đàn chính trị, nhiều câu lạc bộ tranh luận. Vào cuối 1918, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, và qua đó trở thành một trong những người dân thuộc địa đầu tiên trực tiếp ghi tên tham gia đời sống chính trị nước Pháp. Khi ấy, Nguyễn Ái Quốc chỉ quan tâm tới một điều: Ai là người quan tâm tới số phận của dân tộc mình? Ai là người đứng ra bảo vệ nhân dân mình?

Tháng 12/1920, tại Tours, Nguyễn Ái Quốc cùng đa số biểu quyết thành lập một chính đảng mới. Một bức ảnh nổi tiếng cho thấy Người, với vẻ khiêm nhường, đang tham luận. Bên cạnh Người, có thể nhận ra một hình bóng quen thuộc của Paul Vaillant -Couturier. Không phải ngẫu nhiên mà hai lãnh tụ cộng sản quốc tế trong tương lai lại ở bên nhau khi ấy.

Chân dung nhà báo Nguyễn Ái Quốc và lý tưởng Người theo đuổi được tác giả khắc họa rõ hơn ở phần hai bài viết.

Theo tác giả, từ năm 1920 cho tới khi rời nước Pháp vào mùa hè năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã triển khai một hoạt động lớn. Người là thành viên sáng lập của Liên minh các dân tộc thuộc địa. Người thành lập tờ báo có tên gọi rất ý nghĩa "Le Paria" (Người cùng khổ), tập hợp những người dân thuộc địa trên khắp đất Pháp. Nhưng, cũng kể từ đó, chính tờ "L'Humanité" là nơi Nguyễn Ái Quốc thể hiện tài viết báo với khoảng 20 bài viết trong chỉ hơn một năm. Đa số các bài viết này đề cập đến Đông Dương, nhưng với tinh thần quốc tế cao đẹp. Nguyễn Ái Quốc cũng miêu tả cảnh cùng khổ của những người da đen châu Phi, tình hình của phong trào công nhân Thổ Nhĩ Kỳ...

Với Nguyễn Ái Quốc, báo chí cộng sản phải đồng thời vừa là nhà tổ chức, vừa là nhà giáo dục.

Là nhà tổ chức, báo chí cộng sản phải nhấn mạnh đến sự bổ sung lẫn nhau trong cuộc đấu tranh của công nhân Pháp và công nhân các thuộc địa. Người kết thúc mỗi bài viết bằng một lời kêu gọi hành động.

Là nhà giáo dục, nhưng những thành viên của đảng mới (cộng sản), cũng như bao người khác, gần như không biết gì về tình hình thuộc địa.

Trên tờ "L'Humanité" ngày 25/5/1922, nghĩa là một năm rưỡi sau Hội nghị Tours, Nguyễn Ái Quốc ngầm phê phán sự thụ động của phong trào mới khi viết: "Đảng (cộng sản) Pháp không thể, giống như Quốc tế I và II, tự bằng lòng với những cuộc biểu tình mang cảm tính thuần túy và thiếu tính liên tục, mà phải có một kế hoạch hành động xác thực, một chính sách cụ thể, hiệu quả".

Bài viết đã nêu 2 nguyên nhân của sự yếu kém này: thứ nhất là bởi sự rộng lớn, phân tán của các dân tộc thuộc địa; thứ hai (và là nguyên nhân chính) là "sự thờ ơ của giai cấp công nhân chính quốc với các thuộc địa" và "những định kiến" về sự yếu kém của người dân xứ thuộc địa, đồng thời cảnh báo "chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản sẽ không bỏ lỡ cơ hội khai thác sự nghi kỵ lẫn nhau này để ngăn chặn việc tuyên truyền và chia rẽ các lực lượng đang cần phải đoàn kết với nhau".

Tư tưởng ấy của Nguyễn Ái Quốc vẫn mang tính thời sự ở Pháp khi bước vào thế kỷ 21.

Với góc nhìn khách quan và minh họa sống động, bài viết của Sử gia Alain Ruscio trên tờ "l'Humanité" đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Nguyễn Ái Quốc, nhà báo, nhà cách mạng những năm 1918-1923 tại Pháp./.