Giữa dòng đời hối hả với bao lo toan vất vả, mưu sinh kiếm sống nhưng vẫn có những người dành phần đời còn lại chữa bệnh miễn phí cứu người. Đó chính là cựu quân y Đặng Cát, ở ngõ 416 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Gặp và tiếp xúc với ông Đặng Cát trong căn nhà nhỏ cũ kỹ, rộng chừng 10m2 nhưng mọi đồ đạc đều rất ngăn nắp và gọn gang. Đây cũng là nơi ông tiếp hàng chục bệnh nhân mỗi ngày. Có lẽ câu chuyện cởi mở, chân thành toát lên từ con người giản dị ấy như lôi quấn, khiến khoảng cách giữa chúng tôi với ông Cát gần hơn.

Cựu quân y Đặng Cát tâm sự, hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ, được cử đi học ngành y và gắn gắn bó với nghề từ đó đến giờ. Bởi vậy, bước chân ông đặt khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam để khám, chữa trị cho các chiến sĩ quân đội, bà con các bản làng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong đó có cả nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia. Những chuyến đi đó đã để lại cho ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ và mỗi ca chữa bệnh thành công như tiếp thêm cho ông niềm tin và sức mạnh tìm tòi phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

1-ong-dang-cat.jpg
Cựu quân y Đặng Cát

Ông Cát kể:  “Đáng nhớ nhất là năm 1965, đồng chí Đinh Xuân Bi bị đứt gân gót, không thể đi được nữa. Ở giữa rừng, tôi đã nối lại gân đó thành công và ông Bi tiếp tục chiến đấu ở Tây Bắc. Chính từ đó, tôi đam mê khoa học…”

Đối với ông Cát, để nâng cao hiệu quả chữa bệnh cần có sự kết hợp giữa phương pháp chữa bệnh đông y và tây y, nhất là đối với những ca bệnh khó. Nhiều ca bệnh, ông Cát phải vẽ phác đồ điều trị để theo dõi dài ngày như: dịch lỵ, bệnh viêm gan, nhiễm sán dây, u bướu hay trầm cảm…Việc làm như vậy, không chỉ tìm ra căn nguyên của bệnh mà còn nghiên cứu để tìm phương pháp đặc trị. Do đó, hai đề tài y học đó là tẩy sán dây bằng rễ cây hạt lựu và hạt cau; chữa bệnh cổ vai gáy và cột sống lưng được ông nghiên cứu thành công, hiệu quả. Cũng bởi “tiếng lành đồn xa” mà bà con lối xóm, ai ai cũng tin tưởng, nhờ vả khi gia đình có người ốm dau mà không kịp đến bệnh viện.

Ông Đỗ Văn Long, tổ 19, cụm 3 quận Tây Hồ, người hàng xóm, đồng chí và cũng là bệnh nhân được ông Cát tận tình cứu chữa xúc động nói: “Năm 1999, tôi bị u ở thái dương bên trái, được bác sĩ Cát  khám và điều trị trong thời gian tương đối dài đến khi xẹp hẳn thì thôi. Tôi phải tiêm khoảng 200 mũi kháng sinh. Đến năm 2002, tiếp tục có u ở cằm và đã được bác sĩ chữa trị. Thật sự tôi rất cảm phục và  coi bác như ân nhân”.

Về hưu từ năm 1989, hơn 20 năm ấy, vẫn bộ quân áo bộ đội cũ kỹ bạc và chiếc xe đạp “cà tàng” theo ông đến từng nhà bệnh nhân bất kể ngày mưa hay nắng. Hàng chục năm qua, dù nhiều gia đình muốn biếu quà, tiền mặt hay hiện vật giá trị để đền ơn công chữa khỏi bệnh nhưng ông nhất định không nhận. Thậm chí, một số tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm muốn giúp ông mở phòng khám nhưng ông Cát nhất quyết từ chối với lý do “người ta cần thì mình giúp” chứ không cần trả ơn, tính tiền công.

Bà Lê Bích Thịnh, hơn 70 tuổi, quê ở Hà Đông, Hà Nội thường xuyên bị đau nhức ở chân từ di chứng tai nạn và bệnh dạ dày hành hạ thường xuyên ghi nhận: Quý nhất là đêm hôm, nắng mưa, ông Cát đều đi chữa trị cho bệnh nhân, tiếp xúc với người bệnh lại rất chân thành. Sau khi khám, bác Cát kê đơn thuốc và kèm theo lời khuyên ăn uống cho bệnh nhân”.

Từng là chủ nhiệm quân y Công an vũ trang tỉnh Sơn La và là chủ nhiệm quân y Trường Sĩ quan biên phòng và được giới chuyên môn đánh giá cao trong công tác khám chữa bệnh nên ông Đặng Cát luôn tâm niệm: “Con người là vốn quý, hễ còn người thì còn của”. Ai cần thì ông giúp vô tư. Bởi, chữa bệnh không chỉ khỏi bệnh mà còn phòng và tuyên truyền những kiến thức để người dân tự bảo vệ sức khỏe bản thân.

Ông Đặng Cát cho rằng: “Sức khỏe là vàng, mình phải lắng nghe cơ thể mình để mình phòng bệnh cho tốt thì tất nhiên sẽ thành công, phải có niềm tin thì sẽ phòng ngừa bệnh tật.

Trong điều trị, bệnh nhân cần tránh hút thuốc, bia rượu phải bỏ. Tôi suy nghĩ là khả năng được đến đâu thì phục vụ người bệnh đến đấy. Phương pháp của tôi là làm thế nào thuân tiện, đơn giản, hiệu quả nhất, cho nên cứ là ai tin tưởng thì mình giúp đỡ người ta đến nơi đến chốn. Ở đâu cần phục vụ cho nhân dân thì tôi ở đó”.

Ở độ tuổi ngoài 70, những tưởng cựu quân y Đặng Cát sẽ nghỉ ngơi, vui hưởng tuổi già, nhưng hơn 20 năm qua, bà con lối xóm quen với hình ảnh nhà ông lúc nào cũng đông người đến nhờ khám và chữa bệnh. Ông Cát vẫn đều đặn, thăm khám hay nghiên cứu bệnh án để gửi thư hồi âm, bày cách chữa cho những bệnh nhân ở xa. Dù thời bình hay thời chiến, người quân y ấy vẫn luôn giữ vững phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ./.