Kỳ thi năm nay thu hút khoảng 815 thí sinh tham gia. Và đây cũng là số thí sinh tham gia đông nhất trong các kỳ thi. Thí sinh cao tuổi nhất là 77 tuổi, ít tuổi nhất là 11 tuổi. Đối tượng dự thi rất phong phú từ học sinh, sinh viên, nhân viên công ty, kế toán… đều tham gia. Có nhiều thí sinh ở Tokyo, khu vực lân cận như Saitama, Ibaraki… nhưng cũng có thí sinh đến từ các địa phương rất xa như Hokkaido, Aichi, Osaka, Hyogo…
Ông Masayoshi Fujino, Chủ tịch Hội đồng thi cho biết mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn có những biến đổi chưa biết trước, nhưng số thí sinh dự thi năm nay đã tăng đáng kể so với kỳ thi lần thứ 4: “Kỳ thi năm nay, đối tượng dự thi có biến đổi so với những kỳ thi trước. Đặc biệt năm nay, thí sinh là sinh viên đại học, học sinh phổ thông trung học tăng. Các thí sinh dự thi với mục đích vì công việc dĩ nhiên chiếm tỷ lệ lớn, nhưng ngoài ra có những mục đích khác như “mong muốn hiểu biết thêm về Việt Nam” hay là “có hứng thú với việc học Tiếng Việt” cũng gia tăng đáng kể. Riêng về chủ đề thi thì không có thay đổi nhiều so với những kỳ thi trước, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để mở rộng các chủ đề trong đề thi để phù hợp với các đối tượng dự thi”.
Ông Masayoshi Fujino cho biết thêm, trải qua 5 lần thi, thí sinh tham dự chủ yếu đăng ký thi từ cấp độ cận 6 đến cấp độ 2. Ở cấp độ 1 là cấp độ cao nhất, rất khó nên vẫn chưa có thí sinh, nhưng hy vọng ở những kỳ thi tới sẽ có thí sinh dự thi. Ở những lần thi trước có cả những cụ già trên 80 tuổi vẫn đi thi với lý do đơn giản là yêu thích tiếng Việt.
Các cấp độ được dựa trên tiêu chuẩn của kỳ năng lực tiếng Nhật của Nhật Bản đã phổ cập trên toàn thế giới, trong đó cấp độ cao nhất là cấp độ 1. Tỷ lệ đỗ cũng tăng dần theo từng năm. Ở lần 1 tỷ lệ đỗ trung bình cho tất cả các cấp độ mới chỉ có 16,7%, nhưng đến kỳ thi lần thứ 4 diễn ra vào năm 2021 tỷ lệ đỗ đạt 57,6%, trong đó cấp độ 6 có tỷ lệ đỗ cao nhất với 88,8%. Cấp độ 2 là cấp độ khó, nhưng có tỷ lệ đỗ khá cao với 45,8%.
Tiến sĩ Đinh Sỹ Diên, thành viên của Hội đồng thi và là người ra đề thi cho biết: “Chúng tôi cố gắng đảm bảo chất lượng đề thi hàng năm, mức đó khó ở các đề thi hàng năm là tương đối ngang nhau để cho những người dự thi ở cấp độ dưới tiếp tục cố hắng học tập và chuyển lên thi ở cấp độ cao hơn. Chúng tôi cũng thấy rằng trong những thí sinh dự thi có nhiều người là nhân viên công ty và có cả sinh viên đại học, học sinh phổ thông trung học. Do đó, chúng tôi đưa ra phạm vi ra đề gần gũi thiết thực về nội dung kinh doanh, nội dung văn hóa, hoặc là vấn đề cuộc sống của Việt Nam để thí sinh cảm thấy thân quen với những đề thi”.
Các thí sinh dự thi đều cho rằng đề thi phù hợp với năng lực đối với từng cấp độ và hy vọng với trình độ tiếng Việt đã học được sẽ có thể đóng góp vào việc giảng dạy tiếng Việt cho người Nhật, hỗ trợ người Việt Nam sống tại Nhật Bản, hay dễ dàng hơn cho việc giao tiếp khi làm việc tại Việt Nam.
Anh Takashi Ishibashi, người có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam khoảng 6 năm trong lĩnh vực hàng không và đường sắt, nhưng hiện đã quay trở lại Nhật Bản làm việc. Đối với anh việc học tiếng Việt, thi năng lực tiếng Việt là bởi yêu Việt Nam và coi đó là động lực đến với Việt Nam, đến với con người Việt Nam, duy trì tình yêu đối với Việt Nam. Anh cũng cho rằng người Việt Nam thích người Nhật Bản và người Nhật Bản cũng thích người Việt Nam, nên anh hy vọng sẽ quay trở lại Việt Nam làm việc.
Chủ tịch Hiệp hội giáo dục phi lợi nhuận Bunsai Gakuen, Hiệu trưởng Trường cao đẳng ngoại ngữ Nhật Bản, ông Ise Yoji cho rằng: “Trong thời gian vừa qua, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn, nhưng việc học tiếng Việt gần đây vẫn không hề suy giảm. Chúng tôi rất vui mừng vể việc này. Phong trào học tập tiếng Việt tại Nhật Bản đang có xu hướng ngày càng phát triển. Chúng tôi hy vọng rằng vào kỳ thi lần tới có khoảng 1.500 thí sinh sẽ đăng ký dự thi”.
Trường Cao đẳng Ngoại ngữ Nhật Bản là đơn vị đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại có chức năng tổ chức thi và cấp bằng năng lực tiếng Việt cho các thí sinh trên toàn Nhật Bản. Kỳ thi đầu tiên được tổ chức vào năm 2017, và năm 2020 bị hoãn do đại dịch Covid-19. Và qua mỗi kỳ thi, số lượng và chất lượng của kỳ thi ngày càng tăng, đóng góp vào thúc đẩy hoạt động giao lưu nhân dân giữa 2 nước. Theo kế hoạch, kỳ thi năng lực tiếng Việt lần thứ 6 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6/2023./.