Pác Nặm là huyện vùng cao xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn. Cách thị xã gần 100 km, địa hình nơi đây phần lớn là núi cao, độ dốc lớn, đất nông nghiệp ít và chủ yếu là ruộng bậc thang.

Cách đây 2 năm, do không có nước để cấy lúa, cả bản người Dao ở xã Xuân La, huyện vùng cao Pác Nặm đều thuộc diện hộ nghèo, nhiều gia đình thiếu ăn quanh năm. Gần 1 năm trời cần mẫn, hai vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền chỉ với dụng cụ thô sơ đã xây dựng được công trình thủy lợi xuyên qua núi, đưa nước về đồng ruộng, giúp cả bản Nà Vài có cuộc sống ấm no.

anh%20hien%201.jpg
Con mương được đào men theo vách núi (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Huyện miền núi Pác Nặm mùa này chìm trong giá rét, tiếng gà gáy báo hiệu ngày mới ngay ven đường mà nghe như từ xa thẳm vọng lại trong màn sương đục ngầu. Sương sớm miền núi sà xuống, trĩu nặng khiến con đường hơn 30 km từ trung tâm huyện vào xã Xuân La trơn tuột, nhão nhoẹt làm cho chiếc xe máy dù đã được quấn xích vào bánh để tăng độ bám đường cứ bị quăng đi quăng lại. Men theo sườn núi ngoằn ngoèo, con đường chênh vênh mép vực như thử thách lòng kiên trì của bất kỳ ai tìm đường vào bản Nà Vài.

Gần 2 tiếng đồng hồ vừa đi vừa dắt xe, bản người Dao với 28 hộ gia đình hiện ra trước mắt tôi trong cái thở phào nhẹ nhõm. Trước đây, cả bản có khoảng 10 ha đất canh tác, nhưng không có nước, việc trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm chỉ trông chờ vào một vụ ngô và lúa một vụ nên cuộc sống của cả bản Nà Vài luôn lam lũ, bữa no bữa đói. Thời điểm khó khăn quá, vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền còn định rời bỏ quê hương vào miền Nam kiếm kế mưu sinh.

Anh Đặng Phụ Hiền nhớ lại: Cách đây hai năm, gia đình tôi chỉ có 500 m2 ruộng, nương, trồng ngô lúc được nhiều, lúc được ít, hoàn cảnh rất khó khăn. Có lúc không có cơm ăn, lúc đó nghĩ đi nghĩ lại không biết làm thế nào”.   “Nhất nước, nhì phân”. Câu ngạn ngữ truyền đời nghề nông ai cũng biết. Thế nhưng ở bản vùng sâu heo hắt này, mỗi gia đình ở một ngọn đồi, mặt bằng chia cắt, ruộng nương dốc đứng, nước chính là nguồn sống của bản. Bao năm trời bản Nà Vài lam lũ vì không có cách nào tìm được nguồn nước trong địa hình đồi núi như vậy. Thiên nhiên càng như thách đố bản nghèo vì cách đó gần 3 km có một khe suối nước chảy quanh năm, nhưng không ai nghĩ được cách nào để dẫn nước về đồng ruộng. Người dân vốn đã không đủ ăn lại có ý trông chờ tỉnh, huyện đầu tư công trình thủy lợi.

Anh Hiền cùng vợ trăn trở, không lẽ có đất lại cam chịu cảnh thiếu đói triền miên. Đầu năm 2010, vợ chồng anh vận động bà con chung sức đào đắp công trình thủy lợi Nà Vài. Nhiều đoạn phải đào sâu hàng mét, men theo sườn núi, những đoạn trũng thấp phải gánh đá ở chỗ khác về đắp. Mất nhiều công sức mà công trình thủy lợi chưa tiến triển được bao nhiêu nên sau một tháng, bà con trong bản bỏ cuộc, đầu hàng trước sự hiểm trở của địa hình. Đã rất nhiều lần kiệt sức, vợ chồng anh cũng định bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến cảnh gia đình không đủ ăn, con cái không được đến trường, hai vợ chồng lại động viên nhau kiên trì đào đắp cho công trình sớm hoàn thành.

Ruộng cấy được lúa do có nước từ công trình thuỷ lợi của anh Hiền (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Anh Hiền tâm sự: Tôi vừa đào vừa nghĩ, có lúc đào mương đến đây thì bắt đầu đào hầm, không may vướng đá. Cuối cùng không qua được. Và tôi nghĩ ngược lại, đó là xem gốc nguồn nước và nâng cao được đúng 3m. Thế là tôi đào tiếp thì qua được đá. Có những lúc đào, không biết trời tối khi nào, đi ra mới thấy trời tối lâu rồi, lúc đó quay về nhà ăn cơm”.

Hai vợ chồng anh Hiền không biết chữ, công trình không có thiết kế, chạy dài qua địa hình hiểm trở nên việc đào đắp khó khăn gấp bội. Cuối năm 2010, sau gần 1 năm cần mẫn, tuyến mương dài gần 3 km được hoàn thành đã minh chứng cho ý chí, nghị lực thoát nghèo của vợ chồng anh. Cả bản ngỡ ngàng khi dòng nước xối xả chảy về, cánh đồng khô khát Nà Vài bật lên sức sống mới.

Đến nay, gia đình anh Hiền và bà con đã trồng được hai vụ lúa, chấm dứt cảnh thiếu đói triền miên. Nhận xét về tấm gương của anh Đặng Phụ Hiền, ông Hoàng Thanh Kim, Chủ tịch UBND xã Xuân La nói: "Đảng ủy chính quyền địa phương rất cảm kích tấm gương, vượt khó để thoát nghèo của vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền. Gia đình của anh rất nghèo nhưng anh đã tập trung 8 hộ dân để đào công trình đưa nước về đồng ruộng. Họ cũng đã làm được con đập xuyên qua đồi 60 m. Ủy ban xã rất thán phục và cảm kích tấm gương nhà nông vượt khó, biết làm giàu như vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền”.

Cán bộ  địa phương chia vui cùng vợ chồng anh Hiền bên đường hầm thuỷ lợi (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Rời khỏi Nà Vài khi chiều muộn, sương giá miền núi vẫn bao phủ con đường ghập ghềnh men theo triền đồi. Mặt đường vẫn trơn tuột, nhưng dường như chiếc xe máy của tôi không còn chênh vênh nữa bởi cảm giác vững tin. Vững tin vào cuộc sống ấm no lâu dài của bản vùng sâu Nà Vài. Bởi nơi bản xa đó tấm gương sáng của vợ chồng anh Đặng Phụ Hiền cho thấy chân lý giản dị: cuộc sống và sự đổi đời đến từ chính bàn tay của mỗi con người ./.