Risch Podyacheva - sinh viên ngành thiết kế thời trang có cha người Việt, mẹ người Nga - đã nỗ lực tìm kiếm cha 2 năm nay nhưng vẫn chưa có một manh mối.
"Cha tôi tên Nguyễn Anh Phong, từng bán quần áo ở chợ Orska thuộc thành phố Orska, tỉnh Orenburg Oblast, những năm 1990. Hiện giờ có thể ông sống ở Hà Nội", Risch cho biết. Đó là toàn bộ thông tin ít ỏi mà cô và mẹ có được về cha.
Cô Risch Podyacheva (Ảnh NVCC) |
Vào những năm 1990, ông Nguyễn Anh Phong cùng với một số người Việt Nam đến thành phố Orska sinh sống.
Khi đó, bà Svetlana Podyacheva, mới 18 tuổi, là thợ may trong một xí nghiệp. Ngoài giờ đi làm, bà thường qua chỗ cô bạn sống cùng ký túc xá của ông Phong chơi. "Không hiểu bằng cách nào đó, ông Phong biết và làm quen với tôi. Được một thời gian thì tôi và ông ấy chính thức hẹn hò", bà Svetlana chia sẻ.
Trong thời gian yêu đương, bà Svetlana từng hỏi về gia đình, cuộc sống ở Việt Nam nhưng ông Phong không nói. Dù quen nhiều bạn bè của ông buôn bán ở chợ, Svetlana cũng dò hỏi nhưng chẳng bao giờ họ cho bà biết thêm gì về ông.
Sau một năm yêu đương, cô gái Svetlana Podyacheva mang thai. Khi biết tin, ông Phong xa lánh, không còn muốn quan hệ với bà. "Ông ấy chưa bao giờ hứa hẹn với tôi điều gì cả. Hồi đó, tôi còn rất trẻ nên cũng không suy nghĩ về điều này. Lúc biết tôi mang thai, ông còn không muốn tôi giữ lại đứa bé", Svetlana nói lý do bà cố xóa sạch những ấn tượng về mối tình đầu của mình.
Quyết định giữ lại đứa con đồng nghĩa với việc bà Svetlana bị ông Phong chối bỏ. Bố mẹ, anh chị em cũng không muốn nhìn thấy mặt Svetlana nữa.Cô gái trẻ đã phải tự mình lo lắng mọi chuyện sinh đẻ. "Lúc đó, tôi bị cô lập, cuộc sống khó khăn, tủi nhục vô cùng. Nhưng tôi vẫn có một niềm tin phải sống vì đứa con trong bụng", bà nói.
Sau khi Risch ra đời, ông Nguyễn Anh Phong chủ động nối lại quan hệ với hai mẹ con. Nhưng lòng tự trọng bị tổn thương không cho phép Svetlana làm điều này. Chính cô là người từ chối và hai người cũng ít khi qua lại. Ông Phong cũng không dư giả nên chưa khi nào giúp đỡ được hai mẹ con về mặt kinh tế.
"Năm Risch lên 4 tuổi thì ông Phong đến từ biệt tôi. Ông ấy nhận là người có lỗi trong tất cả mọi chuyện. Thậm chí, ông ấy đã khóc và nói yêu hai mẹ con tôi rất nhiều", bà Svetlana chia sẻ. Lần gặp cuối, ông Phong mới cho biết đã có vợ và một con trai tại Việt Nam. Sau đó, mẹ con Svetlana cũng chuyển đi thành phố khác sinh sống nên không biết ông Phong có quay lại tìm mẹ con bà hay không.
Chưa từng gặp cha nên Risch Podyacheva không có ấn tượng nào về ông Phong. Thời thơ ấu in đậm trong cô là hình ảnh người mẹ trẻ phải lưu lạc khỏi thành phố đang sống. Bà đã cố gắng làm việc để nuôi nấng, bảo vệ để cô không mặc cảm. "Bà vừa là cha, vừa là mẹ của tôi. Những năm trước đây, cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn. Nhất là khi các nhà máy, xí nghiệp bị phá sản và mẹ bị thất nghiệp. Chúng tôi đã lâm vào cảnh nghèo túng nhưng mẹ vẫn cho tôi đến trường để không thua kém bạn bè", Risch nói.
Sóng gió cũng qua đi và bây giờ mẹ con Risch đang có cuộc sống rất tốt. Họ đã mua được một căn hộ riêng. Risch sống cùng mẹ và hai em sinh đôi, một trai, một gái. Cô đang học để trở thành một nhà thiết kế. Risch cũng có gia đình và sắp tới cô sẽ sinh con đầu lòng.
Chưa từng một ngày gặp cha nhưng Risch vẫn muốn biết sức khỏe ông thế nào, cuộc sống ra sao... "Tôi là người chủ động tìm ba chứ không phải là mẹ. Đơn giản vì tôi muốn gặp ông dù chỉ một lần xem để ông sống như thế nào, để ông thấy tôi giờ đã trưởng thành thế nào và quan trọng hơn là thông báo cho cha biết ông sắp có cháu ngoại", Risch bày tỏ mong muốn.
Hơn 2 năm qua Risch đã quay lại thành phố nơi cha cô từng sống và làm việc để tìm kiếm, hỏi thông tin về cha từ những tiểu thương Việt đang kinh doanh ở Nga hay xin thông tin bên Đại sứ quán Việt Nam... nhưng đều không thu được một chút manh mối. Hễ gặp được người Việt nào sống ở Nga, Risch Podyacheva đều nhờ tìm kiếm.
Bà Svetlana đã có gia đình riêng và có thêm hai đứa con sinh đôi. (Ảnh NVCC) |
Cách đây hơn một năm, Risch gặp được chàng trai Nguyễn Ngọc Anh (du học sinh Việt tại Nga) và nhờ vả tìm cha. Sau khi về nước, Ngọc Anh đã nhờ người tìm thông tin ông Nguyễn Anh Phong nhưng do anh sống ở Phan Thiết nên chưa có điều kiện tìm được.
"Mỗi ngày, Risch đều nhắn tin hỏi tôi có tin gì về cha chưa. Tôi rất ngại khi phải nói là chưa thấy gì. Tôi mong thông tin sớm đưa lên báo để Risch thấy được nỗ lực của những người bạn Việt Nam giúp cô ấy tìm cha", Ngọc Anh bày tỏ.
Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm dù việc không liên quan đến anh và anh cũng chỉ gặp trực tiếp Risch một lần nhưng anh luôn cảm nhận được mong muốn tìm thấy cha của Risch. "Cô ấy xinh đẹp, có nét Việt Nam. Tôi vẫn nhớ câu đầu tiên Risch nói với tôi là: Tôi có ba là người Việt'", chàng du học sinh chia sẻ./.