“Trưa 20/2/2015, 6 năm kể từ khi mình nhận được cú điện thoại báo tin đậu UWC, mình đã đi một chặng đường dài. 2 năm UWC đã dạy mình thật nhiều về cách sống, văn hóa ứng xử của phương Tây, khiến mình lớn lên rất nhiều trong suy nghĩ và nhân cách.
4 năm Princeton thực hiện nhiệm vụ còn lại: dạy mình thật nhiều kiến thức, tạo nền tảng hiểu biết vững vàng về môn kinh tế nói riêng và ngành học thuật nói chung. 6 năm này đã chứng kiến biết bao thay đổi về bản thân, trong đó có việc mình bắt đầu rất thích học kinh tế (đặc biệt là kinh tế vĩ mô) và quyết tâm theo đuổi bộ môn này ở Princeton.
4 năm học kinh tế ở Princeton dài đằng đẵng. Năm thứ nhất, ngồi học lớp kinh tế vĩ mô cơ bản (Econ 101) của giáo sư Elizabeth Bogan, mình thật sự bị cuốn hút bởi sự cuồng nhiệt (xin lỗi vì phải dùng tới chữ "cuồng" mới thể hiện hết nhiệt huyết của giáo sư này) của giáo sư Bogan mỗi khi cô thuyết giảng về một chủ đề kinh tế nào.
Châu Thanh Vũ (giữa) cùng bạn tại sân trường ĐH Harvard. |
Mình còn nhớ bài đầu tiên là nói về khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2008-2009. Mới ngày đầu đi học đã bị nhồi vào đầu biết bao nhiêu là khái niệm như CDO, CDS, MBS, AIG,... ngày đầu tiên học kinh tế ở Princeton làm mình cũng "khủng hoảng" theo nền kinh tế.
Thế nhưng, sau khi đọc thêm, hiểu thêm, rồi đọc thêm nữa, mình mới thấy bộ môn này thiết thực đến mức nào. Cũng trong năm 1, một giáo sư của Princeton, thầy Chris Sims, được trao giải Nobel kinh tế.
Hôm đó học sinh kinh tế được cho nghỉ học để đi dự buổi họp báo của thầy. Khi ấy, từ trên hàng ghế lầu 2 của hội trường nhìn xuống, thấy ngưỡng mộ thầy làm sao. Đây là những con người mà, trong suốt cuộc đời của họ, nghiên cứu từ niềm đam mê và một cách gián tiếp cống hiến cho sự phát triển của xã hội.
Thế là sang năm 2, mình tiếp tục học một lèo 6 lớp kinh tế nữa, tất cả đều xoay quanh lý thuyết kinh tế vĩ mô, kinh tế quốc tế, tiền tệ, và khủng hoảng tài chính. Càng học mình càng biết là mình đã không chọn nhầm ngành. Sang năm 3, mình quyết tâm theo học 2 lớp kinh tế vĩ mô dành cho first year PhD students (nghiên cứu sinh tiến sĩ năm nhất).
Theo học 2 lớp này, phần là vì mình rất thích kinh tế vĩ mô và đã học gần hết những lớp dành cho sinh viên đại học, phần là vì đạt được điểm cao trong những lớp này sẽ giúp ích nhiều trong việc nộp đơn xin học tiến sĩ sau này. Sang năm 4, mình lại tiếp tục học kinh tế vĩ mô quốc tế - lớp dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 2.
Học chung lớp với những nghiên cứu sinh không những mở rộng tầm kiến thức của mình, mà còn tạo nên sự tự tin cần thiết: mình chứng minh được với bản thân rằng nếu mình học thật chăm thì không thể nào thua kém nghiên cứu sinh được.
Nhận cuộc gọi từ ĐH Harvard Châu Thanh Vũ đã sốc đến độ “không có một chút cảm xúc gì” ngay lúc đó. |
4 năm học kinh tế ở Princeton dài như thế, cuối cùng cũng đem lại kết quả. Trưa hôm nay, 20/2/2015, khi đang ngồi “đau tim” chờ kết quả của các chương trình PhD, thì bỗng thấy có một người nào đó bảo là đã được Harvard nhận vào học tiến sĩ, thông báo qua điện thoại.
Khi đọc được điều ấy thì mình và đứa bạn cùng nộp đơn học tiến sĩ năm nay hoảng cả lên và mất hết cả tinh thần, vì thông thường khi các trường thông báo cho những người đậu trước, còn những ai không được nhận thì sẽ không nghe thông báo gì.
Mải đến khoảng 1 tuần sau, hai đứa hốt hoảng cả lên và chat với nhau những câu buồn hiu trên Facebook, nghĩ rằng coi như rớt Harvard rồi. Mình lúc đó đang dùng điện thoại để chat, đang gõ mặt mếu giữa chừng thì bị gián đoạn không gõ được, vì có ai đó số lạ gọi vào điện thoại.
Số điện thoại gọi từ Massachusetts. "Điều này chỉ có nghĩa là Harvard đang gọi điện cho mình" - mình thầm nghĩ. "Mà gọi điện thì chỉ có báo đậu, chứ không có báo rớt. Vậy là mình đậu rồi sao?" (Harvard ở bang Massachusetts- PV)
Lúc đó hai tay mình run lên, bấm nút nhận cuộc điện thoại.
"Chào, tôi là giáo sư Helpman của ĐH Harvard, và tôi đang gọi điện cho em để báo rằng em đã được nhận vào làm nghiên cứu sinh cho chương trình tiến sĩ 5 năm bộ môn Kinh tế ở Harvard...", đầu dây bên kia nói.
Thực ra lần này mình không có cảm xúc vỡ òa như những lá thư hay cuộc điện thoại như những lần trước. Thực ra là không cảm thấy gì. Không có một chút cảm xúc gì.
2 phút sau khi cuộc điện thoại kết thúc, mình mới nhận ra là vì vui quá, sốc quá nên mới không biểu cảm được gì. 2 phút sau niềm vui đó mới thấm, tay bắt đầu run, và bắt đầu bấm điện thoại để đánh thức ba mẹ dậy lúc 2h sáng Việt Nam để báo tin vui.
Cuộc điện thoại này là cuộc điện thoại đánh dấu một dấu mốc mới trong cuộc đời mình!”
Thành tích học bổng của Châu Thanh Vũ:
- Học bổng toàn phần tiến sĩ kinh tế tại 8 trường của Mỹ. Trong đó, Thanh Vũ xuất sắc vượt qua hàng trăm hồ sơ ứng tuyển để giành học bổng toàn phần 5 năm tiến sĩ kinh tế (79.000 USD/năm) tại Đại học Harvard, Mỹ.
- Ngoài Havard, Vũ nhận học bổng tiến sĩ toàn phần từ 7 trường được xếp hạng cao nhất về môn Kinh tế; gồm ĐH Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ĐH Princeton, ĐH Stanford, ĐH Chicago, ĐH Yale, ĐH Columbia và ĐH Minnesota.
- Danh hiệu sinh viên năm 3 xuất sắc nhất khoa kinh tế của ĐH Princeton.
- Làm việc ở khoa nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Nam Phi tại thủ đô Pretoria năm 2014.
- Học bổng toàn phần để tham gia nghiên cứu về những nguy cơ hệ thống toàn cầu, nhóm nghiên cứu được thành lập bởi các giáo sư ở Princeton, cũng như thực hiện một dự án nghiên cứu độc lập hè 2014.
- Học bổng toàn phần để thực tập tại Khoa Thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) năm 2013.
- Học bổng toàn phần của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Các khu vực của Princeton để tham gia một khóa học về kinh tế - chính trị tại Nhật Bản năm 2012.
- Học bổng ĐH toàn phần tại 7 trường ĐH của Mỹ, một ở Đức và một ở Canada.
- Giải Nhì HSG Tin học Quốc gia năm 2009.
- HCB Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 10, HCV Olympic Tin học 30/4 cho khối lớp 11. Giải Nhì HSG Tin học TP.HCM năm 2009.
- Học bổng toàn phần tại trường Liên kết Thế giới UWC tại New Mexico, Mỹ trong hai năm 2009-2011.
- Học bổng Lawrence S.Ting cho học sinh xuất sắc năm 2008, 2009