Sáng nay (19/1), tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức hội nghị Tổng kết Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2016 hỗ trợ 6.000 lượt doanh nghiệp, tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại đạt trên 350 triệu USD, thu hút gần 2 triệu lượt người tham gia. Thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hiệp hội ngành hàng các tổ chức xúc tiến thương mại đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận, mở rộng thị trường trọng điểm, các thị trường mới và nhiều tiềm năng.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương |
Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017 phê duyệt gần 200 đề án của các đơn vị chủ trì với tổng kinh phí 90 tỷ đồng. Theo đó, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường chú trọng đến các thị trường thuộc khối TPP như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các thị trường thuộc Liên minh châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Balan… Các thị trường ASEAN, Liên minh kinh tế Á – Âu, Trung Quốc…
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, Chương trình xúc tiến quốc gia cần phải đổi mới, tránh đi vào “lối mòn”, xác định các thị trường trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, cần phải làm dài hơi, không thể ăn đong, làm cho có. Cần thay đổi về công tác xúc tiến gắn với xúc tiến hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp. Không phải chỉ phân chia kinh phí cho doanh nghiệp đi dự hội chợ là xong.
Bộ Công Thương yêu cầu trong tháng 2 tới Cục Xúc tiến thương mại phải làm xong đề án đổi mới về xúc tiến thương mại sau đó lấy ý kiến các doanh nghiệp và địa phương, chỉnh sửa, hoàn thiện để trình bộ vào tháng 4/2017./.