Theo Ban Quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia, năm 2015 với 228 đề án, Chương trình đã hỗ trợ 8.850 lượt doanh nghiệp, tiến hành 213.300 giao dịch và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế có tổng giá trị trên 858 triệu USD và khoảng 637,8 tỷ đồng, thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan, giao dịch và mua sắm.
Riêng đối với nhóm ngành nông, thủy sản, Bộ Công Thương phê duyệt 33 đề án với tổng kinh phí là 38,69 tỷ đồng.
Thông qua Chương trình XTTM quốc gia năm 2015, các Hiệp hội, ngành hàng, các tổ chức XTTM đã hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiếp cận, mở rộng thị trường tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
Trong năm 2015, nhiều chương trình XTTM tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo đã được tổ chức. (Ảnh: Internet) |
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục XTTM, trong năm 2015, nhiều chương trình XTTM tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo đã được tổ chức, đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy thương mại, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu, nâng cao đời sống cho người dân.
Do còn nhiều hạn chế về mặt kinh phí (111,99 tỷ đồng), Bộ Công Thương chỉ tập trung nguồn lực hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thủy sản, nông sản, thực phẩm, đồ gỗ, dệt may, da giày. Đồng thời chú trọng phát triển thị trường trong nước, miền núi, biên giới hải đảo.
Năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định phê duyệt 177 đề án của 67 đơn vị chủ trì với tổng kinh phí là 90 tỷ đồng. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan lên quan triển khai các hoạt động XTTM thiết thực, tập trung hỗ trợ các DN khai thác hiệu quả các lợi ích từ các FTA mang lại.
Theo nhận định của ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hoạt động của Chương trình XTTM quốc gia đã đi vào quỹ đạo với quy củ làm ăn chuyên nghiệp mặc dù kinh phí còn hạn chế. Bước sang năm 2016, mặc dù kinh phí dành cho Chương trình thấp hơn so với năm 2015, nhưng tổng thể mức kinh phí đưa ra cho một số chương trình đều tăng so với cùng kỳ như chương trình miền núi, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, nhiều DN khi tham gia vào Chương trình XTTM chỉ được hỗ trợ 50% kinh phí, còn lại sẵn sàng bỏ tiền ra để thực hiện Chương trình. Bởi vậy, nếu làm tốt Chương trình sẽ là cách huy động tiền của nhân dân, của DN vào phát triển kinh tế đất nước.
Chính vì vậy, công tác phối hợp giữa các đơn vị chủ trì, các địa phương, các đơn vị trong và ngoài nước là rất quan trọng. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, công tác phối kết hợp cần được tăng cường hơn nữa, có kế hoạch rõ ràng và có sự thay đổi để phù hợp với tình hình./.