Trong phiên chất vấn ngày 11/6 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đặt câu hỏi về đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là khi xuất khẩu nông sản liên tục giảm trong những tháng đầu năm nay và giải pháp của Bộ Công thương. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, sự suy giảm trong 5 tháng đầu năm là mang tính nhất thời.
Xuất khẩu nông sản trong 5 tháng đầu năm, nhất là gạo và một số nông sản khác có sự suy giảm so với cùng kỳ các năm trước. Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương cho rằng, thực trạng xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay, cả nước tăng trưởng kim ngạch 7,8%, chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm là 10%.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Nguyên nhân do một số nông sản của ta như gạo, thủy sản, kim ngạch xuất khẩu không bằng cùng kỳ năm trước do giá thấp hơn. Đặc biệt về dầu thô, giá chỉ bằng 50% so với các năm trước do giá thị trường sụt giảm. Một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như EU, Nhật Bản, do tỷ giá với đồng USD tụt xuống rất thấp cho nên khi chúng ta xuất khẩu, tính bằng USD thì sẽ thấp hơn so với cùng kỳ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Đối với Việt Nam, mặc dù khu vực nông nghiệp chỉ làm ra 18% thu nhập quốc dân, nhưng có liên quan đến 70% dân số và chắc chắn sau này dù chúng ta trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì khu vực “tam nông” vẫn tiếp tục là một cấu phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Ông Vũ Huy Hoàng khẳng định: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương để tìm đầu ra cho công sản, đó là khi đàm phán các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định thương mại tự do, bao giờ cũng đặt vấn đề với các đối tác mở cửa thị trường và dành ưu đãi cho những sản phẩm Việt Nam có lợi thế, trong đó đặc biệt là sản phẩm nông sản, nhất là gạo, thủy sản và một số nông sản khác.
Trong những hiệp định đã ký, chúng ta đã đạt được điều này, đạt được lợi ích cốt lõi khi các đối tác chấp nhận mở cửa thị trường đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Gần đây nhất là với Liên minh Kinh tế Á – Âu cam kết ngay từ năm đầu tiên khi Hiệp định có hiệu lực sẽ đưa thuế suất bằng 0 đối với toàn bộ mặt hàng thủy sản của chúng ta; giảm thuế tối đa đối với cà phê đóng gói dưới 3kg, đối với chè và một số sản phẩm đồ gỗ; hay với Hàn Quốc, chúng ta cũng đạt được một số thỏa thuận rất quan trọng trong vấn đề thủy sản.
Hiện nay, kim ngạch của các nước ASEAN xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc 1 năm được 10.000 tấn tôm, nhưng qua đàm phán, riêng Việt Nam đã đạt được 10.000 tấn tôm bắt đầu từ năm đầu tiên và tăng dần cho các năm tới.
Tương tự, các hiệp định thương mại tự do khác chúng ta cũng đặt vấn đề ưu tiên về xuất khẩu nông sản mở cửa thị trường nông sản cho Việt Nam. Trong đàm phán các thương mại bình thường, nội dung về gạo và rau quả bao giờ cũng chiếm được ý nghĩa rất quan trọng.
“Chúng tôi phối hợp với Bộ NN&PTNT cố gắng để đàm phán và ký được các hiệp định cũng như biên bản thỏa thuận dài hạn về hợp tác thương mại gạo với 8 nước, trong đó có Indonesia, Cuba, Bangladesh… với tổng khối lượng bình quân 1 năm theo cam kết các nước này sẽ nhập khẩu từ Việt Nam từ 5,5 – 5,7 triệu tấn gạo, chiếm đa số trong con số xuất khẩu bình quân một năm 6,8 – 7 triệu tấn gạo. Đây chính là cơ sở rất quan trọng để Việt Nam tiêu thụ gạo ổn định và bền vững trong dài hạn với các nước” – Bộ trưởng chia sẻ.
Ông Vũ Huy Hoàng cho biết thêm, Việt Nam đều yêu cầu Chính phủ các nước mở cửa cho rau quả Việt Nam, từ quả xoài, vải, vú sữa… Chính vì thế trong những năm gần đây, các nước trong đó có Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp đã từng bước mở cửa thị trường cho các sản phẩm này của ta.
Đây là những biện pháp chúng ta đang làm và Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành khác đang tích cực triển khai. Theo đánh giá, sự suy giảm trong 5 tháng đầu năm mang tính nhất thời và hy vọng sẽ tăng trong thời gian tới./.