Bộ Công Thương mới đây đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức Hợp tác công tư (PPP), trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của Luật này.

Là đơn vị đưa ra khá nhiều phân tích, góp ý và đề xuất đối với hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối từ nhà máy điện lên Hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho rằng, Nhà nước có thể không độc quyền trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành.

Hệ thống điện truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy điện được các chủ đầu tư tư nhân đầu tư, sở hữu và quản lý vận hành, không bàn giao tài sản cho EVN/EVNNPT. Chi phí quản lý, vận hành hệ thống này sẽ do chủ đầu tư tư nhân chịu và được hạch toán vào giá bán điện của dự án nhà máy điện của các chủ đầu tư.

vov_dmt3_UHXV.jpg
Quá trình xây dựng đường truyền tài điện thưởng mất rất nhiều thời gian.

Đối với trường hợp đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nhà máy điện/cụm nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương kiến nghị thực hiện trên cơ sở thỏa thuận đấu nối theo các quy định pháp luật điện lực hiện hành. Trường hợp vướng mắc trong thỏa thuận đấu nối, nhà đầu tư hoặc EVN/EVNNPT đề xuất Bộ Công Thương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng để giải quyết.

Với kiến nghị của Bộ Công Thương, nhiều nhà đầu tư cho rằng, sau khi Nghị quyết 55 ra đời đã tạo ra một “luồng gió mới”, tạo động lực cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo của nước nhà.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Greenergy nhận định, việc xã hội hóa cho tư nhân đầu tư vào truyền tải sẽ gỡ bỏ độc quyền, rào cản bất hợp và những điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo sẽ được giải tỏa.

Một nhà đầu tư dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận bày tỏ quan điểm ủng hộ việc xã hội hóa hệ thống truyền tải điện, bởi đối với mỗi dự án phát điện, các nhà đầu tư đều quan tâm rất lớn đến quá trình đấu nối, quan tâm đường dây truyền tải có khả năng giải tỏa hết công suất của nhà máy điện hay không. Tuy nhiên, nhà đầu tư này cho rằng, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể xây dựng lưới truyền tải, nhưng việc quản lý và vận hành nên giao cho Nhà nước để đảm bảo an ninh năng lượng.

“Trong đầu tư lưới điện truyền tải, các nhà đầu tư vẫn “ngại” nhất là khâu giải phóng mặt bằng, bởi đây là hạng mục tốn công sức, thời gian và tiền bạc nhất. Chính vì thế, các nhà đầu tư rất cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, chính quyền các cấp cũng như sự ủng hộ từ phía người dân trong vùng dự án”, nhà đầu tư này cho biết.

Nhận xét về kiến nghị của Bộ Công Thương, TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, đây chính là điểm mới, là một cách nhìn hoàn toàn khác đang tạo nên sự hứng khởi cho các nhà đầu tư tư nhân.

“Nếu chúng ta cho phép tư nhân tham gia vào khâu truyền tải điện, ngân sách nhà nước sẽ đỡ rất nhiều. Cái được lớn nhất khi tư nhân đầu tư vào đây là sẽ dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Khi không còn độc quyền thì nhà đầu tư sẽ phải cân đối lợi ích của mình và nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc này, người tiêu dùng sẽ được tôn trọng và được khuyến khích sử dụng các nguồn điện khác nhau một cách hợp lý và tối ưu hơn”, ông Hiển phân tích.

Giải tỏa công suất nhà máy điện là nỗi quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Theo GS.VS.TSKH. Trần Đình Long, về phương diện pháp lý, nếu Luật Đầu tư theo phương thức Hợp tác công tư (PPP) được thông qua sẽ tạo cơ sở và khung pháp lý vững chắc để phát triển các dự án điện. Mặt khác, việc đầu tư đường truyền tải điện từ nhà máy điện/cụm nhà máy điện đến cụm đấu nối sẽ không ảnh hưởng đến an ninh cũng như an toàn lưới điện. Vì thế, nên cho các chủ đầu tư tham gia xây dựng, có thể xem đường truyền tải này như một bộ phận tài sản đấu nối của chủ đầu tư để tham gia quản lý cũng như vận hành.

GS.VS.TSKH. Trần Đình Long cho rằng, các chủ đầu tư có thể xây dựng sau đó thuê EVN/EVNNPT vận hành cho nên về đầu tư là không nên hạn chế. Nếu thực hiện theo cơ chế này sẽ huy động được nguồn vốn của tư nhân hoặc các chủ đẩu tư ngoài DN Nhà nước, tạo điều kiện phát triển lưới điện truyền tải cũng như hệ thống điện quốc gia nói chung.

“Nhà đầu tư xây dựng đường dây truyển tải có thể thu hồi nguồn vốn đầu tư bằng việc được hưởng phí truyền tải. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư và quản lý vận hành đối, các chủ đầu tư đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối… và đảm bảo sự an toàn, ổn định, tin cậy trong quá trình quản lý vận hành”, GS.VS.TSKH. lưu ý.

Lưới điện truyền tải theo quy định của Việt Nam có cấp điện áp từ 220 – 500 kV hiện nay do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) quản lý và phụ trách việc xây dựng và phát triển.

Trong lưới điện truyền tải bao gồm 1 loại đường dây chỉ chuyên tải công suất từ một hoặc một cụm nhà máy điện nào đó đến nơi đấu nối với hệ thống. Một loại khác là những đường dây 220 – 500 kV nhưng làm nhiệm vụ liên kết hệ thống, trao đổi công suất qua lại giữa các vùng, miền hoặc giữa các địa phương với nhau./.