Mới đây, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Tiền Giang cùng Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường tổ chức lễ công bố đưa lô trái vú sữa đầu tiên xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ thành công là “cửa mở” để loại trái cây này hồi sinh và phát triển. Trái vú sữa ở Tiền Giang cũng như vùng ĐBSCL từ bên bờ vực thẳm do bị phá bỏ hàng loạt đã trở thành cây ăn quả có nhiều triển vọng.

Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, 2 tấn trái vú sữa đầu tiên xuất sang Hoa Kỳ đã chuyển đến nơi. Phía đối tác đã phân phối xong, khách hàng phía Hoa Kỳ đánh giá cao về chất lượng trái vú sữa của Tiền Giang. Số trái cây này được tuyển chọn từ  56 ha vườn cây Vú sữa chất lượng cao của nông dân các xã Long Hưng, Bàn Long, Hữu Đạo, Phú Phong, huyện Châu Thành.

vua_sua_2_uwks.jpg
Vú sữa nâu của nhà vườn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Võ Văn Men, Chi cục phó, Chi cục Trồng trọt-Bảo vệ Thực vật, Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hòa Kỳ, trái vú sữa phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe như vùng trồng, kỹ thuật trồng phải đáp ứng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, nhất là phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất “sạch”, không có dư lượng phân thuốc hóa học và phải được cấp mã số.

“Để đảm bảo cho trái Vú sữa đi qua thị trường Hoa Kỳ, chi cục đã hướng dẫn cho nông dân quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp; trong đó ưu tiên chọn thuốc sinh học và bao trái ngay từ trái còn nhỏ”, ông Men cho biết.

Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường thu mua của nhà vườn với mức giá cao hơn giá thị trường nội địa từ 2-3 lần. Ngoài ra, nhà vườn còn được đầu tư phân bón, vật dụng bao trái và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Ông Đặng Hoàng Thọ, nhà vườn trồng cây vú sữa ở ấp Nam, xã Long Hưng, huyện Châu Thành chia sẻ, vú sữa được xuất sang Hoa Kỳ là niềm phấn khởi cho nông dân vì giá thu mua vú sữa tăng cao, người nông dân thay đổi cách sản xuất để làm sao sản xuất ra sản phẩm an toàn.

Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công  ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường cho biết, lô vú sữa xuất sang Hoa Kỳ phải có vùng trồng, có đóng gói là chiếu xạ. Công ty đã tiến hành gắn bó vùng trồng, cho bà con quản lý vùng trồng từ khâu kỹ thuật phun thuốc, bao trái nên lô vú sữa xuất đi đầu tiên đảm bảo chất lượng.

Vú sữa  là một trong 7 loại trái cây đặc sản của Tiền Giang được đưa bán tươi tại Hoa Kỳ là thành công bước đầu và để tạo động lực cho nhà vườn, doanh nghiệp sẽ tiếp nối thành công mới từ lô hàng thứ 2 và tiếp sau.

Ở thời điểm này, ngoài doanh nghiệp Cát Tường tại thành phố Mỹ Tho, còn có nhiều doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh cũng sẵn sàng thu mua trái Vú sữa đạt chất lượng cao để cung cấp cho phía Hoa Kỳ.

Do đó, chính quyền và ngành nông nghiệp Tiền Giang đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhà vườn, chú trọng đầu tư cải tạo và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, kết hợp tập huấn khuyến nông, chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến cho nông dân vùng chuyên canh vú sữa.

Nhà vườn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang thu hoạch vú sữa Lò rèn để xuất sang Hoa Kỳ.
Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, nơi có mô hình trồng cây Vú sữa chuyên canh cho biết, phòng đang khởi động lại vùng trồng vú sữa của huyện trên cơ sở diện tích hiện có 800 ha, từ đó sẽ nhân rộng ra từ nay đến 2020 diện tích vú sữa khoảng 1.500 ha.

Với  tín hiệu lạc quan ban đầu và động thái của nhà vườn, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện kế hoạch đưa trái vú sữa sang Hoa Kỳ, tin rằng trái vú sữa ở Tiền Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung sẽ tiếp tục xâm nhập ngày càng nhiều vào thị trường khó tính. Đây là cơ hội, cánh cửa để trái Vú sữa cũng như  các loại trái cây Việt Nam bay cao, bay xa và nâng tầm, khẳng định thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới./.