Rung lắc nhất định tại vùng giá trên ngưỡng tâm lý 1.500 điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ "đỏ lửa" trong phiên 22/2 nhưng trong phiên 23/2, chứng khoán Việt Nam lại có sự thể hiện tương đối tốt khi kết phiên trong sắc xanh. Điểm trừ duy nhất là việc thanh khoản khớp lệnh lại suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên một chút. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/2, chỉ số VN-Index tăng 8,83 điểm (+0,59%) lên 1.512,3 điểm. Độ rộng thị trường là tích cực với 326 mã tăng (14 mã tăng trần), 62 mã tham chiếu, 111 mã giảm (0 mã giảm sàn).
Tình hình địa chính trị giữa Nga và Ucraina tiếp tục căng thẳng đã khiến cho giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng tăng và neo ở mức cao. Điều này giúp cho nhóm cổ phiếu dầu khí hưởng lợi khi dòng tiền ồ ạt đổ vào nhóm này khiến hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh như: PVD (+4,5%), BSR (+4,5%), PLX (+0,8%), OIL (+4,3%), PSH (+3,1%), TDG (+2%)..., thậm chí có mã còn tăng trần như: PVS (+9,9%), PVC (+9,9%), PVB (+9,7%), PTV (+14,9%). Cổ phiếu ngân hàng vẫn là một lực đẩy quan trọng của thị trường trong phiên, có thể kể đến: TPB (+2,7%), VPB (+1%), TCB (+0,6%), MSB (+1,1%), CTG (+0,7%), SHB (+0,2%)... Sau phiên giảm mạnh liền trước thì nhóm bất động sản xây dựng đã tăng mạnh trở lại trong phiên 23/2 như: DIG (+5,2%), DXG (+4,1%), CEO (+5,1%), CII (+4%), LDG (+6,8%), HBC (+2%), FCN (+2,4%), PTC (+6,9%), EVG (+6,8%)...
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), bất chấp việc thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên đêm 22/2, tâm lý nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam vẫn tương đối tích cực. Tuy nhiên, có lẽ cũng đang có chút "rón rén" khi mà thị trường đang tiến đến vùng kháng cự tương đối mạnh trong khoảng 1.530-1.550 điểm. Điều này đã được thể hiện qua mức thanh khoản suy giảm trong phiên 23/2. Do đó, trong phiên giao dịch hôm nay 24/2, thị trường sẽ khó có khả năng tiếp tục bứt phá mà nghiêng nhiều hơn về khả năng sẽ có những giằng co cũng như rung lắc nhất định tại vùng giá trên ngưỡng tâm lý 1.500 điểm.
“Trên thị trường phái sinh mà ở đây là sản phẩm hợp đồng tương lai VN30, các trader cũng đang khá thận trọng tại cả 4 kỳ hạn với mức basis âm từ 9 đến 30 điểm. Do đó, chiến lược hợp lý hiện tại vẫn là nắm giữ danh mục đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 và có thể canh chốt lời nếu thị trường tiến vào vùng giá 1.530-1.550 điểm trong thời gian tới”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
VN-Index có thể sẽ hướng về mức kháng cự 1.535 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công Ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về mức kháng cự 1.535 điểm trong những phiên giao dịch tới. Đồng thời, dòng tiền đã lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy dòng tiền chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường và cải thiện hơn so với tuần giao dịch trước. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng mạnh cho thấy chiến lược phù hợp giai đoạn này là nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để tăng tỷ trọng cổ phiếu trên 55% danh mục”, chuyên gia của YSVN cho hay.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ trên thị trường, tâm lý nhà đầu tư đang ở trạng thái khá tiêu cực bất chấp động thái mua ròng của khối ngoại hay lực cầu bắt đáy xuất hiện vào cuối phiên ở một vài cổ phiếu đơn lẻ, và chỉ số chưa thể ghi nhận một nhịp tăng đáng kể trong các phiên sắp tới.
“Trong bối cảnh thị trường vẫn đang biến động mạnh như hiện tại, nhà đầu tư ngắn hạn nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và tạm thời đứng ngoài quan sát, đồng thời chưa nên giải ngân bắt đáy khi thị trường vẫn chưa có tín hiệu ổn định trở lại. Tuy nhiên, căng thẳng Nga – Ukraine có thể sẽ không tác động lâu dài tới thị trường Việt Nam, và nhà đầu tư trung – dài hạn có thể tìm kiếm cơ hội giải ngân mới tốt hơn trong những nhịp điều chỉnh giảm của thị trường chung, nhưng cần chú ý giải ngân từ từ và hạn chế lạm dụng đòn bẩy”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.