Lãnh đạo IMF/WB nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam cần tránh nới lỏng chính sách vào thời điểm hiện nay, đặc biệt là chính sách tiền tệ, và tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần cam kết tiếp tục giữ lạm phát thấp và có các bước đi mạnh mẽ để cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ làm tăng lòng tin, dẫn đến đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn, và do đó thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Tại buổi làm việc với đoàn Việt nam thạm dự Hội nghị Thường niên IMF/WB năm 2012 vừa được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) bà  Indrawati - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) và ông Shinohara – Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và kết quả ổn định vĩ mô đạt được cho đến nay, đồng thời bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đối với định hướng chính sách đúng đắn của Chính phủ. IMF cho rằng các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong 12 tháng qua đã góp phần ổn định nền kinh tế, thể hiện qua lạm phát thấp hơn, dự trữ ngoại hối tăng, vị thế đối ngoại được cải thiện, và thị trường ngoại hối khá ổn định. Đây là những thành tựu quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục phát huy.

Lãnh đạo IMF/WB cũng khuyến nghị Chính phủ Việt nam cần đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bao gồm cả tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước (DNNN); Và kiên trì theo đuổi định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tăng cường và củng cố lòng tin của thị trường và cộng đồng các nhà đầu tư. Tại thời điểm giao thời này, điều quan trọng nhất là Việt Nam phải tiếp tục duy trì, củng cố lại các khoảng đệm chính sách và uy tín chính sách trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn và nguy cơ khủng hoảng giá lương thực thế giới có thể tác động xấu đến Việt Nam. Lãnh đạo IMF/WB nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam cần tránh nới lỏng chính sách vào thời điểm hiện nay, đặc biệt là chính sách tiền tệ, và tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần cam kết tiếp tục giữ lạm phát thấp và có các bước đi mạnh mẽ để cơ cấu lại các DNNN và hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ làm tăng lòng tin, dẫn đến đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn, và do đó thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.

Về chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam, Lãnh đạo IMF/WB nhấn mạnh rằng một khu vực tài chính lành mạnh là rất quan trọng đối với Việt Nam để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nói riêng và vừa phát triển kinh tế của đất nước nói chung.

Chương trình tái cơ cấu này là một bước tiến quan trọng và đúng hướng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm và quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi cam kết rộng rãi từ nhiều phía và cần được thực hiện khẩn trương. IMF/WB hoan nghênh và đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã chủ động đề xuất và tích cực phối hợp với IMF/WB trong việc chuẩn bị và triển khai Chương trình Đánh giá Ổn định khu vực Tài chính (FSAP) và cho rằng việc thực hiện FSAP diễn ra rất đúng thời điểm vì nó sẽ tiếp tục giúp các cơ quan chức năng xác định phạm vi các lĩnh vực cải cách.

Đặc biệt, cả hai lãnh đạo của IMF và WB đều nhấn mạnh rằng tái cấu trúc ngân hàng liên quan chặt chẽ với cải cách DNNN, do đó khuyến nghị mạnh mẽ Chính phủ Việt Nam cần xem xét đưa DNNN vào phạm vi đánh giá của FSAP./.