Tình trạng ùn tắc hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu tại các cửa khẩu sang Trung Quốc vẫn thường xuyên diễn ra. Mới hồi đầu tháng 4 này, hàng trăm xe dưa hấu chờ xuất khẩu đã ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), phải mất nhiều ngày mới giải quyết xong. Những ngày gần đây lại xảy ra tình trạng gạo xuất khẩu ùn tắc tại cửa khẩu Lào Cai đến mấy chục nghìn tấn.
Do tính chất đặc thù của việc xuất khẩu hàng nông sản theo dạng tiểu ngạch đã dẫn đến tình trạng nêu trên. Xuất khẩu tiểu ngạch thường tiềm ẩn nhiều bất ổn cũng như rủi ro từ việc thay đổi chính sách trong kiểm dịch, tiêu thụ… không được thông báo trước, hoặc do năng lực giao nhận, hạ tầng tại những lối mở không phát triển kịp làm giảm năng lực thông quan dẫn đến ùn tắc.
Gian nan xuất khẩu theo đường tiểu ngạch
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam là đất nước có nền sản xuất nông nghiệp rất lớn, do vậy việc tiêu thụ nông sản cho nông dân là hoạt động trọng tâm ưu tiên của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, đặc thù của nông sản khác với các mặt hàng công nghiệp là có độ hư hỏng nhanh, việc bảo quản phụ thuộc nhiều vào thời tiết, sản xuất nông nghiệp vẫn phải theo thời vụ gieo trồng, không chủ động đường đơn hàng đặt trước, khâu tìm thị trường từ đó cũng bị ảnh hưởng.
Ông Hải cho biết, hiện nay xuất khẩu nông sản của Việt Nam về cơ bản vẫn được tiến hành thông qua con đường chính ngạch với số lượng hợp đồng lớn, giao hàng qua qua đường biển chiếm 2/3 sản lượng xuất khẩu, chỉ có 1/3 hàng hóa nông sản xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
Do đặc thù của Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung đường biên giới, hoạt động thương mại qua biên giới sẽ là thành phần tất yếu trong giao dịch, giao thương giữa hai nước.
“Trong quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, việc tận dụng lợi thế của thương mại biên giới vẫn là điều chúng ta nên làm. Trong quá trình giao thương cũng nảy sinh những vấn đề bất cập, nhưng qua những lần như vậy, Bộ Công Thương cũng như các địa phương cũng đã rút ra các bài học để triển khai tốt hơn trong thời gian tới” ông Hải đánh giá.
Phân tích thêm về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh cho rằng, gạo xuất khẩu của Việt Nam phải phụ thuộc vào năng lực và điều kiện tiếp nhận của các đối tác đầu mối, những thay đổi trong điều hành quản lý từ phía Trung Quốc đã khiến việc giao nhận gạo qua biên giới không được thuận lợi, doanh nghiệp hai bên đều biết rõ điều này và phối hợp tìm cách giải quyết.
Cần một chiến lược dài hơi
Theo thông tin mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đến ngày hôm nay, tình trạng ùn tắc xuất khẩu gạo đã cơ bản được giải quyết, chỉ còn vài chục xe nên tình trạng ùn ứ không còn ở mức căng thẳng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo bằng văn bản đến với địa phương, Hiệp hội lương thực, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo trong việc thống nhất để thông quan toàn bộ số gạo trước khi xem xét những đơn hàng xuất khẩu gạo tiếp theo.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục có kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục xem xét, bàn với địa phương có biện pháp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động thông quan tại khu vực cửa khẩu biên giới với sự tham gia của lực lượng chức năng hai nước, tạo điều kiện thuận lơi hơn cho doanh nghiệp đầu mối của hai bên.
“Về lâu dài, Chính phủ cần có biện pháp mang tính chiến lược, bắt buộc thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp để gắn kết giữa khâu tiêu thụ, lưu thông và xuất khẩu với khâu sản xuất của người nông dân. Trong đó, đặc biệt tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao trình độ và chất lượng canh tác thông qua mô hình sản xuất mới có quy mô lớn hơn, có điều kiện tiếp cận với doanh nghiệp, tạo liên kết với vùng nguyên liệu, hướng sản phẩm nông sản đạt đến những quy chuẩn chất lượng sản phẩm bền vững, từ đó tiến vào những thị trường lớn của thế giới với những yêu cầu khắt khe”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh còn cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tích cực rút kinh nghiệm và tổ chức các hội nghị sơ kết với Bộ NN&PTNT để làm việc với các địa phương, tiến hành tổ chức thực hiện xuất khẩu nông sản qua biên giới từ nay đến cuối năm và trong các năm tiếp theo.
“Qua công tác phối hợp này sẽ cụ thể hóa trách nhiệm giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân để tổ chức tốt khâu thu hoạch, chế biến, vận chuyển và xuất khẩu phù hợp với điều kiện và yêu cầu của thị trường, đảm bảo lợi ích của người nông dân trong quá trình sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông sản hàng hóa”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói./.