Mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn bình quân có từ 500 - 550 xe vận tải cỡ lớn chuyên chở dưa hấu và thanh long đến cửa khẩu. Đường lên cửa khẩu cả đoàn xe rồng rắn nối đuôi chờ thông quan. Để mỗi xe qua được biên giới phải ăn trực nằm chờ khoảng 4 ngày.
Bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, luân chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung qua cửa khẩu Tân Thanh thông thường trung bình đạt khoảng 300 phương tiện/ngày. Thế nhưng phương tiện chở hàng từ các tỉnh miền Trung, miền Nam dồn ra cửa khẩu lớn hơn so với lượng hàng hóa được luân chuyển mua bán giữa các thương nhân Việt Nam và Trung Quốc. Do đó các phương tiện phải đỗ lại ở phía bên cửa khẩu Việt Nam để chờ tới lượt đưa hàng hóa sang bán bên Trung Quốc.
Khó đánh giá thiệt hại
Theo bà Đặng Thị Ngân, để đánh giá mức độ thiệt hại nông sản do ùn tắc ở cửa khẩu là rất khó. “Khi hàng hóa hoá không được xuất khẩu nhanh ngay sau thời điểm thu hái thì đương nhiên chất lượng có điều chỉnh và giảm hơn. Nếu phương thức mua bán thực hiện theo hợp đồng thương mại thì giá được ký kết giữa thương nhân Việt Nam và Trung Quốc có thể là giá cố định, được ký kết hợp đồng theo quy định và điều ước quốc tế. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng hóa qua Chi cục Hải quan Tân Thanh với hàng trái cây và nông sản của Việt Nam đa phần thực hiện theo hình thức mua bán qua biên giới. Đây là hình thức tiểu ngạch nên việc khai báo về thủ tục hải quan cũng như giá liên quan đến hàng hóa chỉ là giá tạm tính, không phải là giá giao kết giữa thương nhân hai bên. Do đó, khi hàng hóa được đưa sang phía Trung Quốc mới thực hiện việc mua bán nên giá cả không phụ thuộc hợp đồng hay quy định chung nào đó. Nên thực tế thương nhân của ta giao dịch ở mức giá thế nào phía cơ quan Hải quan không nắm được chi tiết".
Về phía Hải quan Tân Thanh toàn bộ hàng hóa đến cửa khẩu đều được giải quyết xong hết các thủ tục thông quan liên quan đến hải quan. Tuy nhiên còn có vấn đề các phương tiện có đưa hàng hóa sang Trung Quốc được không còn tùy thuộc lưu lượng phương tiện luân chuyển, việc mua bán giữa các thương nhân Việt Nam và Trung Quốc.
Hải quan và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu đã phối hợp và có báo cáo Trung tâm quản lý kinh tế cửa khẩu để thực hiện trao đổi với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc và thực hiện kéo giãn thêm thời gian đóng mở công kiểm soát số 1 đến 20h hàng ngày. Qua đó giúp lượng phương tiện xuất khẩu trong một ngày tăng hơn so với trước.
Thực tế, phương tiện chở hàng hóa được doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam đưa sang Trung Quốc được hay không còn phụ thuộc vào hệ thống bến bãi của Trung Quốc có đảm bảo các phương tiện lưu đỗ được nhiều hay không. Ngoài ra, còn phụ thuộc yếu tố hàng xuất sang bên đó có được mua bán nhanh hay chậm. Có rất nhiều trường hợp phương tiện được đưa sang bên kia, việc trao đổi giữa thương nhân Việt Nam và Trung Quốc chưa thực hiện ngay. Do đó, phương tiện của ta sang đó lại phải lưu giữ lại khiến bến bãi không đủ chỗ cho các phương tiện.
Thông thường một xe dưa hấu thời gian mua bán, bốc dỡ, đóng thùng… các thương nhân Trung Quốc phải làm mất từ 4- 5 giờ nên thời gian các xe chở dưa đỗ lại bến phía Trung Quốc dài hơn các phương tiện hàng hóa khác, như chuối xanh luân chuyển mua bán chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Theo bà Ngân, hiện thời các doanh nghiệp, thương nhân của ta kinh doanh mặt hàng dưa hấu về cơ bản chưa có sự thay đổi so với những năm trước đây. Cách bảo quản, sắp xếp, vận chuyển hàng hóa vẫn giản đơn chỉ xếp dưa lên xe lót rơm. Nếu thay đổi cách thức bảo quản hàng hóa sau thu hoạch như phân loại theo loại hàng để đóng thùng, đóng hộp thì hàng hóa đó mang sang Trung Quốc đương nhiên khi bốc dỡ và luân chuyển sẽ nhanh hơn.
Có một vài trường hợp cá biệt xảy ra khi hàng hóa đã làm xong hết về mặt thủ tục liên quan đến hàng hóa và phương tiện nhưng chủ hàng để phương tiện hàng hóa chờ đến hôm sau mới đưa hàng sang. “Chủ ý một số thương nhân không muốn lưu trú phương tiện qua đêm tại các bến bãi của Trung Quốc do chi phí phát sinh lớn hơn ở Việt Nam. Vì thế, chủ hàng lúc thời gian cuối giờ chiều lựa chọn không xuất khẩu để đến hôm sau mới đưa hàng hóa sang bán để tránh chi phí lưu trú của phương tiện và lái xe tăng rất nhiều so với Việt Nam.
Ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh luôn có các đơn vị chức năng biên phòng, công an xã, công an huyện cùng phối hợp quản lý bảo đảm an ninh trật tự tại cửa khẩu. Các lực lượng này thường xuyên tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh phương tiện hàng hóa. Trên thực tế cũng đã bắt giữ một vài trường hợp đối tượng trộm cắp tuy nhiên số hàng hóa lấy cắp không đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự nên chỉ xử phạt hành chính sau đó trục xuất khỏi địa bàn.
UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các lực lượng trong phạm vi cửa khẩu sắp xếp các phương tiện dọc các tuyến đường vào cửa khẩu vẫn đảm bảo cho các phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu được sắp xếp hợp lý đảm bảo an ninh và không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác trên địa bàn di chuyển không bị tắc nghẽn giao thông trong phạm vi cửa khẩu. “Hiện thời việc sắp xếp bố trí này cơ bản đảm bảo công việc diễn ra bình thường không có tác động quá lớn do các phương tiện chở hàng hóa ra cửa khẩu” , bà Ngân nói./.