Đã gần hết nửa năm 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Đà Nẵng mới đạt 25,5%. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài đạt rất thấp, khoảng 5%. Nhiều dự án đã giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm nhưng tỷ lệ giải ngân không đạt. TP Đà Nẵng đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đối với dự án, công trình chậm tiến độ.
Năm 2021, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng được bố trí hơn 1.600 tỷ đồng thực hiện hàng chục dự án, công trình trọng điểm. Hầu hết các dự án là công trình trọng điểm, công trình dân sinh cấp thiết như khu tái định cư, bệnh viện, trường học, xử lý rác thải…yêu cầu phải hoàn thành đúng tiến độ. Thế nhưng, đã gần nửa năm 2021, nguồn vốn do Ban này quản lý đầu tư mới chỉ giải ngân được khoảng 15% so với vốn được giao.
Ông Phạm Đức Nguyên Hào, Trưởng phòng Kế hoạch, Ban Quản lý Dự án đầu tư Xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết, hiện có 65 dự án triển khai từ nhiều năm trước, phải gia hạn nhiều lần nhưng vẫn chưa triển khai được.
“Có những dự án của ban kéo dài 20 năm do vướng mắc mặt bằng, giải tỏa theo kiểu “da beo”, kéo dài miết tới bây giờ, điều chỉnh nhiều lần vẫn tiếp tục điều chỉnh. Trước đây, các Ban quản lý dự án đã đề nghị thành phố tách phần giải tỏa đền bù thành một dự án riêng, thực hiện đền bù giải tỏa trước một bước, khi có mặt bằng mới tổ chức đấu thầu triển khai thi công. Nhưng trong Luật Đầu tư công, đền bù giải tỏa là một phần của dự án, khi phê duyệt dự án mới phối hợp với các ban giải phóng mặt bằng tiến hành đền bù giải tỏa”, ông Hào nêu nguyên nhân.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của TP Đà Nẵng (không kể số vốn kéo dài của năm 2020 sang năm 2021) được Trung ương giao hơn 7.000 tỷ đồng và HĐND thành phố giao hơn 9.200 tỷ đồng để triển khai 463 dự án. Thành phố giao cho 42 đơn vị, địa phương, ban quản lý dự án làm chủ đầu tư và quản lý dự án. Thế nhưng đến ngày 11/6 năm nay, các đơn vị mới giải ngân được khoảng 1.820 tỷ đồng, đạt hơn 25% kế hoạch do Trung ương giao và chỉ đạt 19% kế hoạch do HĐND thành phố giao. Trong đó, tiến độ giải ngân vốn nước ngoài rất thấp, mới đạt hơn 5%.
Nguyên nhân ảnh hưởng tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là do quy trình, thủ tục đầu tư phải qua nhiều khâu, nhiều bước, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị, làm kéo dài thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư như quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công dự toán, lựa chọn nhà thầu,... Trong đó, vướng mắc lớn nhất và kéo dài là công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương triển khai chậm. Công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng do chính quyện địa phương các quận, huyện đảm trách.
Ông Hồ Văn Khoa, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, nhiều nơi, người dân chưa đồng tình với mức giá đền bù nên chưa chịu bàn giao mặt bằng. Hiện nay trên địa bàn quận có nhiều hồ sơ đất nông nghiệp nhưng có nhà ở khá lâu, nên vướng giải phóng mặt bằng.
“Hội đồng giải phóng mặt bằng tiếp dân nhiều lần nhưng chưa tháo gỡ được. Chênh lệch giá đền bù giữa qui định cũ với qui định mới, người dân kiến nghị hỗ trợ mức độ chênh lệch giá. Hiện nay, thành phố đã phân cấp cho hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện chủ động. Tuy nhiên, việc phân cấp còn hạn hẹp, trong quá trình giải quyết đều phải xin ý kiến thành phố nên bị động”, ông Khoa phân tích.
Theo Báo cáo của Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, hiện nay một số qui định mới của Trung ương ban hành nhưng chưa có hướng dẫn thi hành. Các đợt dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2020 và đầu tháng 5 này và những đợt mưa bão kéo dài trong năm 2020 đã ảnh hướng lớn đến tiến độ thi công nhiều công trình. Nhiều dự án phải kéo dài kế hoạch vốn qua năm 2021. Đối với dự án phát triển bền vững TP Đà Nẵng yêu cầu kết thúc vào cuối tháng 6 này, nhưng hiện nay khối lượng dự án còn nhiều do vướng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng cho biết, thành phố tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý xem xét, quyết định điều chỉnh vốn đã được bố trí, nếu không có khả năng giải ngân thì chuyển vốn cho các dự án có tiến độ nhanh hơn; Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tổ chức nghiệm thu nhanh, quyết toán, không để dồn vào cuối năm.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công mới đây, nhiều địa phương đã kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ vướng mắc của Luật Đầu tư công, trong đó đề nghị tách phần giải tỏa đền bù thành một dự án riêng. Khi hoàn thành giải tỏa bàn giao mặt bằng mới phê duyệt chủ trương đầu tư, tổ chức đấu thầu và triển khai thi công dự án.
“Nhiều chủ đầu tư, Ban quản lý dự án ứng vốn trên tổng thể cả dự án, trong đó có phần giải tỏa đền bù dẫn đến đội vốn tạm ứng ngân sách. Đây là vấn đề cần khắc phục khi quyết định chủ trương đầu tư cần phân định ra giải phóng mặt bằng là dự án riêng, khi dứt điểm phần giải phóng mặt bằng mới bố trí vốn triển khai dự án. Đây là nút thắt cần tháo gỡ trong đầu tư công. Việc này một số địa phương cũng đã kiến nghị với Chính phủ cần tháo gỡ, có như vậy mới tránh được tồn tại lâu nay trong chậm giải ngân vốn đầu tư công”, ông Phụng nêu rõ./.