Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết tại họp báo chiều 1/7 khi trả lời báo chí liên quan đến gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng:  “Trong tuần này, thường trực Chính phủ mời các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn. Quan điểm là tính toán xem đối tượng nào được tham gia, thủ tục thế nào để nhanh nhất, thuận lợi nhất cho ngư dân, thậm chí có những dịch vụ hỗ trợ cho ngư dân”.

chinh-phu-1-7_txun.jpgBộ trưởng Nguyễn Văn Nên tại buổi họp báo (ảnh V.H)

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, Chủ trương của Chính phủ là khi đưa ra gói kinh tế này phải đến được với người dân.

“Liên quan đến những người trước đây đã từng vay và còn những việc tiếp tục giải quyết thì chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng, để khi họp bàn phải có chính sách cụ thể đối với từng đối tượng thụ hưởng” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Đối với tình hình tăng trưởng tín dụng, tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, có những yếu tố tác động làm cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vẫn còn khó khăn trong những tháng tới. Tăng trưởng tín dụng đạt được tương đối thấp. Ngành Ngân hàng tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để tăng tín dụng và đặc biệt là chất lượng tín dụng. 
Tăng trưởng thấp có những nguyên nhân khách quan từ nền kinh tế, như sức cầu của nền kinh tế yếu, cơ chế chính sách về phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, về nâng cao tính cạnh tranh, tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, và những tác động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. 
Do vậy, để có thể đưa vốn tín dụng ra một cách hiệu quả, cần phải có sự phối hợp chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa, đầu tư, chính sách đối với doanh nghiệp. Trong hoạt động ngân hàng, có chính sách liên quan đến cơ chế bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản… thì mới có thể đưa vốn tín dụng ra có hiệu quả.
Từ đầu năm tới nay, theo Phó Thống đốc, các chính sách của ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực tín dụng cần ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng thí điểm các mô hình cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tập trung vốn vào lĩnh vực ưu tiên và được kiểm soát chất lượng tín dụng tốt. 
Bên cạnh đó, xử lý nợ xấu đang là một trong những trở ngại hiện nay. Thông qua cơ chế của công ty mua bán tài sản, vừa qua đã xử lý được một bước. Cần tiếp tục xử lý trong thời gian tới. 
Với những giải pháp của Chính phủ và sự phối hợp nhiều chính sách vĩ mô, cùng với sự chỉ đạo tích cực của hệ thống ngân hàng, trong hệ thống, Phó Thống đốc cam kết sẽ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội khác./.