Tháng 4/2016, sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gây thiệt hại nặng nề về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản.

Sự cố này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của hơn 510.000 người dân.

Đã có nhiều ý kiến lo ngại sẽ phải mất nhiều năm sau mới khôi phục môi trường biển. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đến nay môi trường biển đã được khôi phục.

Nụ cười đã trở lại với ngư dân các làng chài miền Trung khi biển dần hồi phục, hải sản đã an toàn.

Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ đến thăm hỏi, nói chuyện cởi mở, chân tình với ngư dân tỉnh Quảng Trị, rồi mua cá mang về chế biến món ăn trong đêm để lại ấn tượng tốt đẹp.

Khi được Thủ tướng hỏi thăm, ngư dân Bùi Đình Sanh (ở thị trấn Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị) bộc bạch, thời gian khó đã qua, biển đã an toàn, nhiều khoản hỗ trợ của Nhà nước và tiền bồi thường đã giúp bà con đóng tàu to vươn khơi.

su_co_moi_truong_bien_1_qpod.jpg
Bến cá đã nhộn nhịp trở lại 

“Sau khi xảy ra sự cố Formosa, Nhà nước hỗ trợ cho bà con ngư dân chúng tôi rất kịp thời. Bây giờ sắm thêm ngư lưới cụ và thuyền máy mở rộng sản xuất lớn, làm ăn phát triển. Bà con ngư dân có 2 nguyện vọng về mùa lũ có chỗ ẩn nấp và đề nghị nâng cấp cảng biển, tạo điều kiện mở rộng sản xuất”, ông Bùi Đình Sanh nói.

Sau 2 năm xảy ra sự cố môi trường biển, vùng biển miền Trung trải qua những tháng ngày buồn bã. Người tiêu dùng quay lưng với hải sản. Bãi tắm hoang vắng đìu hiu. Thuyền lẻ bạn. Ngư dân bỏ biển đi khắp nơi tìm kế mưu sinh.

Bây giờ, môi trường biển được khôi phục, an ninh trật tự ổn định, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh Bắc miền Trung đã trở lại bình thường. Mọi người yên tâm dùng hải sản.

Hơn 6.400 tỷ đồng tiền bồi thường được chuyển đến tay các đối tượng thiệt hại tại 4 tỉnh Bắc miền Trung. Chính phủ cấp hơn 282 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp những trường hợp khó khăn do ảnh hưởng sự cố; hỗ trợ 190 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế và học phí cho học sinh ở vùng biển bị thiệt hại; hỗ trợ đưa 32.000 người đi xuất khẩu lao động, tìm việc làm mới...

Ngư dân tỉnh Quảng Trị nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển

Nhớ lại những ngày vừa xảy ra sự cố môi trường biển, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, địa phương không mấy ai dám nghĩ rằng, sau 2 năm, môi trường biển sẽ phục hồi.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, ngày đó cả tỉnh lúng túng, lo ngại phải mất cả nhiệm kỳ cũng chưa thể khắc phục xong hậu quả.

Còn ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cho rằng, thời điểm đó, nhân dân 64 xã ven biển của tỉnh bị ảnh hưởng hoạt động sản xuất tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự. Thiệt hại nghiêm trọng không phải ở những con số mà niềm tin của người dân suy giảm mới là điều lo ngại.

Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, lúng túng nhất đối với địa phương là khâu thống kê, chi trả tiền đền bù bởi chưa có tiền lệ, khó xác định đối tượng thiệt hại.

“Khi chi trả đền bù, chúng tôi xác định đây là việc rất khó. Ngay từ ban đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định cần chỉ đạo nghiêm khắc và tuyên bố nếu bất cứ cán bộ nào vi phạm phải xử lý nghiêm. Nhiều nơi có khiếu nại, tố cáo thì chúng tôi cử cán bộ về trực tiếp đối thoại với dân để làm rõ. Có thể nói đó là một thành công”, ông Nguyễn Đức Chính cho biết.

Điều quan tâm lớn nhất của người dân hiện nay là nguồn thải từ hoạt động sản xuất của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh có thực sự bảo đảm an toàn và liệu có xảy ra sự cố lần thứ hai?

Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục được 52 trong số 53 lỗi vi phạm về các qui định xả thải. Còn 1 lỗi vi phạm là phải chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô đang thực hiện, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019.

Bộ này đã thành lập Hội đồng giám sát liên ngành để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải của Formosa Hà Tĩnh.

“Formosa Hà Tĩnh cam kết không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước. Nếu có sai phạm sẽ chịu xử lý và đóng cửa. Hoạt động của Formosa Hà Tĩnh đã và đang được Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổ giám sát liên ngành và tỉnh Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống quan trắc tự động về Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Tĩnh”, ông Võ Tuấn Nhân khẳng định.

Sau 2 năm tập trung khắc phục sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Bắc miền Trung, người dân có niềm tin với chính quyền, tin Đảng. Trong gian khó, người dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, đội ngũ cán bộ trưởng thành hơn và có kinh nghiệm về ứng phó thảm họa.

Thủ tướng mua cá của ngư dân tỉnh Quảng Trị vừa đánh bắt

Tại Hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa diễn ra ở tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định về bài học không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.

“Môi trường là một tam giác cùng với kinh tế, xã hội. Chúng ta phải giữ, một trụ cột của sự phát triển. Tất cả các địa phương phải giữ gìn môi trường, đặc biệt môi trường biển, một thế mạnh của Việt Nam. Từ sự cố Formosa, chúng ta nghĩ về tương lai môi trường của nước ta và khu vực biển nước ta, phải làm tốt hơn không được ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nguồn nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.