Theo chỉ đạo của Chính phủ, cuối tháng 6 này sẽ hoàn thành dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trong sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, để từ tháng 7 trở đi, sẽ triển khai các giải pháp mới mang tính bền vững.
Đến giữa tháng 6, các tỉnh bị thiệt hại đã chi trả hơn 4.600 tỉ đồng, đạt gần 90% kế hoạch. Sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền địa phương sau hơn một năm khắc phục sự cố đã giúp hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hồi phục trở lại, cuộc sống người dân trong vùng ảnh hưởng đã dần ổn định.
Cảng cá Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, 5h sáng một ngày tháng 6, tàu thuyền đã nối đuôi nhau cập bến. Những giỏ cá, mực tươi rói vừa đưa lên bờ đã có hàng chục đại lý đợi sẵn để mua. Chị Trương Thị Hoa Lý, tiểu thương buôn bán cá nhiều năm ở chợ cá Đồng Hới cho biết, chừng này năm ngoái, chợ cá vắng tanh, không ai mua bán gì, ảm đạm lắm. Nhưng từ đầu năm đến giờ, cá tôm nhiều, có bao nhiêu cũng tiêu thụ hết.
“Người dân bây giờ ăn uống bình thường. Tiểu thương cũng buôn bán ổn định trở lại. Mỗi ngày tôi thu mua bán lại cho các điểm nhỏ lẻ, 5 đến 7 tạ, nhiều thì 1 tấn”- chị Hoa Lý nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn, lão ngư dày dặn ở xã biển Bảo Ninh thì từ tháng 4 đến nay, nước biển ấm, ngư dân được mùa. Tàu thuyền ra khơi về thu hoạch đều khá. Thuyền đi lộng, mỗi đêm về ngư dân chia nhau, ít thì ba trăm, nhiều thì dăm bảy trăm, một triệu.
Ông Nguyễn Văn cho biết: “Chừng này năm ngoái, cá chết là ngư dân ở nhà hết, đánh về không ai mua nên họ không đi. Nhà nước đền bù 42 triệu/người, thuyền hai người được 90 triệu. Ngư dân về mua sắm ngư cụ, sửa sang thuyền lại. Năm tháng sau đi đánh là có cá, nhưng so với trước chỉ được 60- 70%. Hiện nay, chợ búa hoạt động cũng bình thường”.
Tàu cập cảng Gianh (tỉnh Quảng Bình) đưa cá lên bờ |
Cũng như lão ngư Nguyễn Văn, từ cuối năm ngoái, khi Tổng cục môi trường thông báo biển cơ bản đã sạch, 4 tỉnh miền Trung đã tổ chức cho bà con khởi động lại tất cả các hoạt động khai thác thủy hải sản và tạo điều kiện hết mức cho ngư dân ra khơi đánh bắt.
Ngư dân nhộn nhịp ra khơi
Từ nguồn tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, ngư dân đã tu sửa tàu thuyền, mua sắm thêm ngư cụ chuyển hướng sang đánh bắt xa bờ. Do vậy, không chỉ có chuyến biển đặc biệt mang về 150 tấn cá thu bè trị giá 5 tỉ đồng của ngư dân Lê Tuấn ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, mà nhiều chuyến tàu đánh bắt cá khác, thu về dăm, bảy trăm triệu đồng cũng xuất hiện đều đều.
Ngư dân Võ Văn Hữu ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, năm ngoái vay 16 tỉ đồng đóng tàu vỏ thép 822 mã lực, đầu năm đến giờ ra khơi đều đặn, mỗi chuyến biển trừ chi phí, còn lãi không dưới 300 triệu đồng.
“Tàu tôi làm nghề dịch vụ và lưới chụp, tháng vừa rồi được 20 tấn, trị giá cỡ 600 triệu đồng tổng thu. Cho chi hết 300 triệu đồng, lãi còn 300 triệu đồng/chuyến biển. Tiêu thụ thì cũng ổn định. Sản phẩm làm ra ví dụ như mực, các loại cá có giá trị cao thì bán rất dễ’- ngư dân Võ Văn Hữu nói.
Mẻ cá thu 150 tấn của ngư dân Lê Tuấn - Quảng Trị( ảnh do nhân vật cung cấp) |
Tàu thuyền đã nhộn nhịp ra khơi, nên hầu hết các làng nghề chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá ở 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại. Trong đó các làng nghề nổi tiếng như Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh), Cảnh Dương (Quảng Bình), Cửa Tùng, Cửa Việt (Quảng Trị), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) hoạt động rất tấp nập. Ông Lê Hiến - một trong 10 đại lý cung ứng xăng dầu cho tàu cá ở cảng Gianh (tỉnh Quảng Bình) cho biết, mỗi tháng bán được hơn 100 khối xăng dầu cho ngư dân, tương đương các năm trước.
Nhiều ngư dân ở Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định… đưa tàu vào Cảng Gianh bán cá không giấu nỗi niềm vui khi rất nhiều chuyến biển bình quân thu nhập từ 400- 500 triệu đồng. Mấy tháng gần đây, ngư trường Quảng Bình, Hà Tĩnh được mùa sò, mỗi ngày các đại lý thu mua hàng chục tấn.
Ông Trần Đăng Thảo – Giám đốc cảng Gianh cho biết: “Từ tháng 8/2016, hoạt động nghề cá trở lại và ấm lên. Đặc biệt là từ đầu năm 2017 đến nay thì trở lại như những năm trước, tàu thuyền vào cảng nhộn nhịp hẳn lên. Mùa này được mùa ngao sò, mỗi ngày tầm 70 – 100 tấn sò lụa”.
Tại Hà Tĩnh, các xã nằm sát Formosa như Kỳ Ninh, Kỳ Hà, Kỳ Phong, Kỳ Phú chịu thiệt hại rất nặng từ sự cố này. Nhưng từ nguồn tiền bồi thường, hỗ trợ, đa số bà con ngư dân đã gắng gượng dậy và đang tiếp tục ổn định cuộc sống, khôi phục nhanh hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.
Ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tại, số lượng tàu thuyền đánh bắt gần bờ đã đạt khoảng 75%, còn số tàu đánh bắt xa bờ thì đã hoạt động gần như 100%.
“Sản lượng thủy sản đánh bắt đến hết tháng 5 đạt 11.200 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2016 là 15%. Sản lượng thủy sản nuôi khoảng 4000 tấn, tăng 2%. Chúng tôi đánh giá là đến thời điểm này, mọi hoạt động khai thác, nuôi trồng, dịch vụ thủy sản trở lại bình thường, vẫn phát triển so với năm 2015”- ông Lê Đức Nhân nói.
Ngư dân Quảng Trị tiếp tục đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ |
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về khắc phục sự cố môi trường biển lần thứ 8 vào ngày 7/6, Bộ NN-PTNT cho biết, đến đầu tháng 6/2017, 4 tỉnh trong vùng ảnh hưởng đã chi trả hơn 4.600 tỉ đồng, đạt gần 90% tổng số tiền 3 đợt tạm ứng. Lượng tàu thuyền ở 4 tỉnh bắc miền Trung ra khơi tăng nhanh và dần trở lại bình thường.
Tàu khai thác ven bờ đạt 70- 80%, khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt từ 85-90%. Sản lượng khai thác, nuôi trồng hải sản đến hết tháng 5 ở các tỉnh đều tăng từ 10 đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự nỗ lực rất lớn của trung ương và địa phương, hoạt động khai thác thủy hải sản ở khu vực này đã khôi phục nhanh, cuộc sống của người dân trong vùng đã dần ổn định, môi trường biển đã trong lành./.
Cố gắng bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển trước 30/6/2017
Một năm sau sự cố môi trường: Biển hồi sinh, hải sản tươi ngon