Nếu như trước đây "6 ổn định" được coi là tư tưởng chỉ đạo trong sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, thì nay trước sức ép giảm sút nghiêm trọng, nước này lần đầu tiên đưa ra khái niệm "6 bảo đảm". Theo chuyên gia Trung Quốc, đây là sự thay đổi lớn trong chiến lược kinh tế tổng thể nhằm giúp kinh tế nước này trụ vững trong đại dịch Covid-19.
Đối với kinh tế Trung Quốc, "6 ổn định" là khái niệm dùng để chỉ ổn định việc làm, ổn định tài chính, ổn định ngoại thương, ổn định đầu tư nước ngoài, ổn định đầu tư trong nước và ổn định dự báo.
Mới đây, hôm 17/4, đúng vào ngày Trung Quốc công bố số liệu kinh tế lần đầu tiên tăng trưởng âm sau nhiều thập kỷ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản nước này đã nhóm họp và lần đầu tiên đưa ra khái niệm "6 bảo đảm". Trọng tâm của "6 bảo đảm" gồm bảo đảm việc làm, bảo đảm sinh kế cơ bản của người dân, bảo đảm thị trường, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, bảo đảm chuỗi cung ứng chuỗi ngành nghề và bảo đảm vận hành cấp cơ sở.
Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược trong thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế nước này đang đứng trước nhiều khó khăn. Ông Dương Vũ, bình luận viên của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) nói: "Chịu sự ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần này, đặc biệt là khi dịch bệnh vẫn đang lan rộng trên toàn cầu, kinh tế Trung Quốc đang phải chịu những tác động và thách thức chưa từng có. Trung ương đưa ra yêu cầu "6 bảo đảm" trên thực tế là sự kiên trì tư duy về giới hạn tối thiểu trước những thách thức chưa từng có ấy, là sự dự báo về những khó khăn, rủi ro và những nhân tố không xác định mà chúng ta hiện đang phải đối mặt, cho thấy sự cần thiết phải giữ cho được nền tảng cơ bản của nền kinh tế và giới hạn tối thiểu về dân sinh."
Số liệu kinh tế Trung Quốc vừa công bố mới đây cho thấy, nền kinh tế nước này lần đầu tăng trưởng âm kể từ khi công bố dữ liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo quý vào năm 1992, thậm chí là lần đầu tiên kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh kể từ thập niên 1960.
Với việc đưa ra yêu cầu "6 bảo đảm", dự báo trong thời gian tới trọng tâm công tác của chính phủ Trung Quốc sẽ có những thay đổi đáng kể. Không ít chuyên gia nước này đã kêu gọi chính phủ Trung Quốc không đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm nay, bởi dù có nỗ lực đến đâu việc đạt mức tăng trưởng khoảng 6% để hoàn thành mục tiêu GDP tăng gấp đôi năm 2010 đối với nước này đều là không thể thực hiện được. Trọng tâm công tác cần được đặt vào các mục tiêu quốc kế dân sinh khác như yêu cầu "6 bảo đảm" đề ra, nhằm giữ vững nền tảng của nền kinh tế Trung Quốc./.