Tỏi Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận số 19213/QĐ-SHTT ngày 10/12/2007, là chỉ dẫn địa lý của loại tỏi được trồng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tỏi Lý Sơn đã trở thành đặc sản nổi tiếng, trở thành thương hiệu của vùng, bởi nó có hương vị đặc biệt, đặc trưng vị cay dịu, khác biệt vị cay nồng như tỏi vùng khác.

Điều gì làm cho tỏi Lý Sơn lại có được vị cay dịu đặc trưng có một không hai này, nếu thấy cần thiết, rõ ràng cần một nghiên cứu bài bản chuyên sâu. Với quyết định công nhận chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn do Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học & Công nghệ cấp năm 2007 là đã nói lên hầu hết lý do phải dùng cát trắng để trồng tỏi Lý Sơn. Nhưng UBND huyện Lý Sơn đưa ra chủ trương “nghiên cứu mô hình trồng tỏi không dùng cát trắng” là một hướng “ngược đường” của chỉ dẫn địa lý cho Tỏi Lý Sơn. Quan điểm này được phản ảnh trong bài viết “Lý Sơn: Hướng đến trồng hành, tỏi không dùng cát trắng” đăng ngày 28/7/2018 trên VOV.VN.

toi_2_bxtd.jpg
Cánh đồng trồng tỏi tại huyện đảo Lý Sơn.

Trước hết, kinh nghiệm trồng Tỏi Lý Sơn, ông Bùi Thanh Hồng ở thôn Tây, xã An Hải cho rằng, để hành, tỏi đạt năng suất cao và mang hương vị đặc trưng, khâu cải tạo đất rất quan trọng: “Sử dụng đất mới để cho mát mặt, cây trồng mới phát triển. Đất cũ bị nóng. Đất nóng thì cây trồng không phát triển. Làng quê Lý Sơn không có đất mới thì không trồng được hành, tỏi”.

Đó là một nhận định hợp lẽ. Như ta đã biết, cường độ năng lượng mặt trời tại đảo Lý Sơn vào loại cao ở Việt Nam, khoảng 5 kWh/m2/ngày (nơi cao nhất tại Việt Nam đạt 5,6 kWh/m2/ngày và nơi thấp nhất chỉ khoảng 3 kWh/m2/ngày), cộng với khả năng hấp thụ nhiệt rất tốt của gam màu đỏ sậm (chỉ sau gam màu đen) của loại đất trồng bazan nơi đây, nên nếu không có lớp đệm phản quang tốt, sẽ làm cho lớp đất bazan này bị đốt nóng lên rất nhanh và rất mạnh, làm cho lớp đất trồng trọt bên trên cùng nhanh chóng bị khô hạn, nóng bức. 

Và chúng ta đều hiểu, tỏi là loại cây cỏ có bộ rễ/củ ăn rất nông, do đó nếu đất trồng không đảm bảo mát thoáng, chắc chắn sẽ cản trở lớn tới khả năng sinh trưởng của cây, thậm chí cây bị chết khô. Do đó, việc người dân nơi đây, từ lâu đời nay, cho phủ một lớp cát trắng dày khoảng 2 - 3cm lên bề mặt ruộng để tỏi Lý Sơn phát triển tươi tốt, cho thấy cha ông ta ngoài cần cù, chịu thương, chịu khó, còn rất thông minh!

Tỏi cô đơn Lý Sơn có màu trắng sáng, kích cỡ từ ngón tay út đến ngón tay cái, hình bầu dục. (Ảnh: Người Lao động)

Ngoài ra ở Lý Sơn, cát trắng nơi đây không phải loại cát biển thông thường, mà là loại cát san hô. Cát trắng san hô có đặc điểm không quá mịn như cát khác, nên tuy được phủ bên trên lớp đất trồng bazan, nhưng vẫn tạo cho lớp đất bazan độ thở, có tác dụng tốt cho cây trồng. Mặt khác cát san hô là loại cát xốp, nên tạo độ cách nhiệt tốt hơn nhiều so với cát khác và do có độ xốp nên chúng giữ lại một phần nước khi tưới hoặc khi mưa, do đó tạo nên một lượng ẩm rất tốt cho cây trồng…

Với những phân tích căn bản trên, chúng tôi cho rằng chủ trương trồng tỏi không dùng cát trắng của UBND huyện đảo Lý Sơn là điều cần được nghiên cứu, trao đổi một cách khoa học để phản biện, tránh tư duy mang tính ý chí, chủ quan! Dù việc khai thác cát vùng ven biển, gây ra nguy cơ sạt lở bờ biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái là vấn đề cần được quan tâm.

Để cải tạo hơn 300 ha đất trồng hành, tỏi trên huyện đảo Lý Sơn cần khoảng 1 triệu m3 cát trắng, nguồn cát dưới đáy biển ở khu vực ngày càng cạn kiệt và người nông dân oằn lưng với giá cát trắng tăng cao, lên tới trên 200.000 đồng/m3, muốn mua cũng không dễ. Nhiều hộ nông dân phải đặt trước vài ngày mới có đủ cát để cải tạo ruộng trồng và sau mỗi hai mùa vụ thu hoạch tỏi, lớp cát này sẽ phải được thay.

Để giải quyết trăn trở âu lo của lãnh đạo huyện đảo, cũng như của bà con nông dân, chúng tôi khuyến nghị thực hiện các giải pháp sau:

1/ Giống như khai thác mỏ, phải san lấp để hoàn nguyên, ở đây là dùng cát đã bị loại bỏ sau 2 vụ để lấp và sau một thời gian với mưa gió rửa trôi, lớp cát cũ này cũng sẽ dùng lại được.

2/ Tiến hành rửa cát sau 2 vụ thu hoạch tỏi, để cho trôi phần đất đỏ bazan lẫn vào  cát trong quá trình canh tác. Nước rửa cát được thu gom và phục vụ tưới cho cây. Chúng tôi tin rằng, phương án rửa cát này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế- môi trường cao cho người dân đảo Lý Sơn!