Đây là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh và công chăm sóc, thời gian từ trồng đến khi thu hoạch ngắn (khoảng 18 tháng). Hiện nay, loại chanh này có nơi bao tiêu, thu mua rất ổn định, với giá cả hợp lý.
Cũng như ông Xuân và ông Thâm, với 6.000 m2 đất trồng chanh không hạt, ông Nguyễn Thành Phát, ngụ ở ấp Phước Thạnh (xã Đông Thạnh) cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm. Ông Phát phấn khởi nói: “Chanh không hạt cho trái quanh năm, lại rất dễ trồng nên người dân ở đây chọn làm cây chủ lực để phát triển sản xuất. Nếu áp dụng đúng các kỹ thuật chăm sóc, cây có thể cho năng suất từ 25 - 30 tấn trái/ha/năm”.
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh đang có khoảng 700ha chanh không hạt, trong đó diện tích trồng tập trung nhiều nhất là huyện Châu Thành. Việc mở rộng diện tích chanh không hạt đã được lồng ghép trong Đề án 1.000 của tỉnh Hậu Giang – đề án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng giai đoạn 2014-2016.
Ông Nguyễn Văn Chiến – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thạnh Phước (ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh) cho biết: “Mỗi tuần, HTX cung cấp được khoảng 7-10 tấn chanh, cung không đủ cầu. Ngoài việc thu mua trái, mỗi năm HTX còn cung ứng khoảng 300.000 cây giống (14.000 đồng/cây) cho người dân”.
Cũng theo ông Chiến, đầu ra của mặt hàng nông sản này chủ yếu được tiêu thụ ở các chợ và siêu thị TP HCM, TP.Cần Thơ, Công ty cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm (Kiên Giang), Công ty The Fruit Republic (Hà Lan)…
Ông Ngô Minh Long - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang nói: “Chúng tôi đang hướng dẫn bà con nông dân huyện Châu Thành sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP, gắn với việc tìm đầu ra bền vững. Đây là loại cây trồng có nhiều triển vọng”./.