Ngày 31/3, Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu của TPHCM năm 2012- tết Quý Tỵ kết thúc với nhiều kết quả đáng mừng.
Chương trình đã góp phần điều tiết hàng hóa, đảm bảo cung cầu, ổn định giá cả thị trường, thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đã qua hơn 10 năm triển khai, từ chỗ chỉ bình ổn một chương trình các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu vào năm 2002, TPHCM đã mở rộng bình ổn 4 chương trình gồm: các mặt hàng lương thực thiết yếu, dụng cụ học tập phục vụ mùa khai trường, sữa và dược phẩm thiết yếu vào năm 2012.
Từ một vài doanh nghiệp chủ lực của Thành phố tham gia nay đã phát triển lên 48 doanh nghiệp, đều là các doanh nghiệp có uy tín, năng lực sản xuất kinh doanh, có lượng hàng hóa chi phối thị trường và mạng lưới phân phối ổn định.
Đáng chú ý là các doanh nghiệp tham gia chương trình ngày càng đề cao ý thức trách nhiệm với người tiêu dùng, hoạt động không chỉ vì lợi nhuận hay vốn vay ưu đãi. Hàng hóa bình ổn đã đáp ứng được 25 đến 40% nhu cầu thị trường tiêu dùng.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: “Chương trình bình ổn thị trường được thành phố triển khai bài bản, căn cơ, ngày càng thể hiện được vai trò, tầm vóc và ảnh hưởng của nó đến không chỉ đời sống người dân, kinh tế TPHCM mà mở rộng ra các khu vực liên kết, các địa bàn các tỉnh lân cận cũng như các khu vực khác trong cả nước. Và đặc biệt, chương trình tác động đến cả những vấn đề lớn của đất nước- như chỉ số CPI, tác động tích cực vào yếu tố thị trường, sự ổn định của thị trường, niềm tin của thị trường”.
Năm nay, hàng loạt điểm mới được thực hiện trong Chương trình bình ổn thị trường kéo dài từ tháng 4/2013 đến hết tháng 3/2014. Thành phần các doanh nghiệp tham gia được mở rộng với 63 doanh nghiệp, nhiều hơn năm 2012.
Cũng trong năm nay, Thành phố sẽ không hỗ trợ vốn vay với lãi suất bằng 0% từ nguồn ngân sách như những năm trước mà sẽ kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia chương trình để tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Ngay ngày đầu triển khai, có 5 doanh nghiệp tín dụng, ngân hàng đã ký kết cho các doanh nghiệp trong chương trình vay gần 2 ngàn tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM nói: “Năm 2013, thành phố đưa ra một số giải pháp mới để làm sao nâng cao chương trình ngày càng chuyên nghiệp, đi vào chiều sâu, chiều rộng, có sức lan tỏa lớn hơn.Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên doanh liên kết giữa TPHCM với các tỉnh để chúng ta có những vùng nguyên liệu giúp cho các doanh nghiệp phát triển nguồn hàng. Qua đó hàng hóa sẽ tích cực hơn, giá cả hợp lý hơn, chất lượng cao hơn, nâng cao chất lượng chương trình”.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay các dự án kích cầu để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thực hiện các dự án chăn nuôi, mở rộng chuồng trại, đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường.
Chương trình cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đưa hàng vào hệ thống phân phối, truyền thông, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu...
Căn cứ vào thực tiễn, cơ chế giá của chương trình năm nay cũng đổi mới đáng kể bằng việc điều chỉnh giá theo hướng linh hoạt hơn như: nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, dược phẩm thấp hơn thị trường 5-10%, nhóm hàng mùa khai trường bình ổn cả năm chứ không chỉ 6 tháng như trước, nhóm hàng sữa sẽ ổn định giá bán cả năm.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) nói: “Để giải quyết vấn đề một cách căn cơ thì chúng ta phải biết đầu tư chiều sâu cho vùng nguyên liệu, đầu tư chiều sâu cho sự liên kết với nhau. Đến giờ phút này, nhiều doanh nghiệp bình ổn chúng tôi đã khẳng định được rằng chúng tôi hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu để ổn định thị trường. Và tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp dù có bình ổn hay không thì cũng phải có nghĩa vụ với xã hội, minh bạch trước thị trường, xứng đáng với niềm tin, với việc Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Để thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường năm 2013, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung chỉ đạo để kịp thời điều tiết thị trường, xử lý vướng mắc phát sinh; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh thành để tạo nguồn hàng bình ổn cho thành phố; tiếp tục phát triển hệ thống phân phối, bán hàng bình ổn bằng nhiều hình thức để hàng đến tay người dân… Tất cả nhằm đáp ứng nhu cầu của 10 triệu người tiêu dùng Thành phố về một thị trường lành mạnh, hàng hóa chất lượng, giá cả ổn định, doanh nghiệp nâng cao ý thức vì cộng đồng./.