Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp để tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp và các địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau 3 năm triển khai, đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố tham gia triển khai thí điểm BHNN. Theo đó, 304.017 hộ nông dân/tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN, trong đó có 233.361 hộ nghèo (chiếm 76,8%), 45.944 hộ cận nghèo (chiếm 15,1%), 24.711 hộ thường (chiếm 8,1%), một tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Tổng giá trị được bảo hiểm của cả chương trình thí điểm đạt được 7.747,9 tỷ đồng, trong đó tổng giá trị bảo hiểm cây lúa là 2.151 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm vật nuôi là 2.713,2 tỷ đồng, tổng giá trị bảo hiểm thủy sản là 2.883,7 tỷ đồng.

Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm là 178,1%; trong đó, chủ yếu bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền đã bồi thường bảo hiểm là 669,5 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường là 306%); tiếp đó là bồi thường bảo hiểm cây lúa với tổng số tiền thực bồi thường là 19 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường 20,6%); bồi thường bảo hiểm vật nuôi là 13,3 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường là 15,9%).

Ngoài ra, thông qua thí điểm BHNN đã tạo cho người sản xuất nông nghiệp ý thức và thói quen tuân thủ quy trình sản xuất, canh tác, nuôi thủy sản. Đây là mục tiêu cơ bản mà ngành nông nghiệp mong muốn đạt được để tiến tới sản xuất hàng hóa toàn diện./.