Tiến sĩ Trần Đình Bá - Hội Khoa học kinh tế tính toán, dù phải trả phí quá cảnh 600 - 800 USD, đường bay thẳng vẫn giúp các hãng tiết kiệm được 3.500 - 5.000 USD mỗi chuyến tùy loại máy bay.
**Ông nghĩ sao về việc Bộ Giao thông Vận tải tái nghiên cứu đường bay thẳng Bắc - Nam?
Tiến sĩ Trần Đình Bá: Tôi rất phấn khởi khi biết Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Cục Hàng không nghiên cứu để triển khai đường bay thẳng Bắc - Nam giống như đề xuất của tôi và cựu phi công Mai Trọng Tuấn trước đó, dù đề xuất này từng bị bác bỏ. Tôi mong đường bay này được triển khai càng nhanh càng tốt, bởi mỗi ngày chúng ta đang lãng phí gần một triệu USD.
Năm 2009, ông Mai Trọng Tuấn nêu ý tưởng "đường bay vàng" song đã bị Cục Hàng không bác bỏ. Tôi tìm cách thuyết phục ông Tuấn tiếp tục theo đuổi ý tưởng này song ông ấy đã từ bỏ. Nhận thấy đây là vấn đề rất quan trọng, có lợi cho đất nước nên tôi tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị tới Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải mấy lần.
**Ông tính toán như thế nào khi đưa ra con số ngành hàng không lãng phí gần một triệu USD mỗi ngày?
Tiến sĩ Trần Đình Bá: Đường bay thẳng Bắc - Nam theo tính toán của cựu phi công Mai Trọng Tuấn giảm 200 km so với đường bay hiện tại. Nhóm chuyên gia cao cấp của Vietnam Airlines cũng tính toán đường bay thẳng có thể rút ngắn được 111 km, giảm 9 phút bay. Còn tính toán của Cục Hàng không là tiết kiệm 50 km và giảm 2,5 phút.
Chiều dài đường bay thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất hiện được cho là 1.140 km và khoảng cách đo trên máy bay chặng Hà Nội - TP HCM khoảng 1.200 km, song tính toán giữa cơ học và hình học khác nhau.Tôi khẳng định đường bay vòng qua nhiều điểm hiện tại khiến chặng bay dài tới 1.556 km, lãng phí 416 km do đoạn qua Đà Nẵng kéo vuông góc tới Hà Nội - TP HCM. Cùng với đó, hao tổn năng lượng lớn khi đường gấp khúc nhiều. Nếu bay thẳng sẽ tiết kiệm được 26 phút và 1/4 năng lượng so với chặng hiện tại
Như vậy mỗi năm, hàng không lãng phí trên 60.000 tấn nhiên liệu, phải trả 25.000 giờ bay cho phi công ngoại, tiếp viên, nhân viên... đồng nghĩa lãng phí 300 triệu USD mỗi năm. Tôi chịu trách nhiệm về những tính toán của mình, tôi sẵn sàng đối chất với lãnh đạo các bộ ngành về tính khả thi của đường bay thẳng Bắc - Nam.
Thực tế, Cục hàng không đã áp dụng bay thẳng chặng Hà Nội - Cần Thơ tiết kiệm 36 phút bay và Hà Nội - Phú Quốc tiết kiệm 56 phút.
**Tại sao đề xuất của ông lại bị bác bỏ vào năm 2012?
Tiến sĩ Trần Đình Bá: Việc đó thể thiện sự bảo thủ của Cục Hàng không. Đáng lẽ họ phải mời các chuyên gia, mời người đến thẩm định song họ không làm. Nếu tổ chức hội thảo, tôi sẵn sàng bảo vệ trước các tiến sĩ toán học, cơ học.
Tôi đã hiến kế bằng sơ đồ, công thức, luận pháp tính ra từng đường bay chỉ để giúp ngành hàng không khỏi bị thua lỗ, tụt hậu. Tôi đã đề nghị bay thực nghiệm trên hiện trường song Cục Hàng không không làm, không chịu thừa nhận đề xuất của tôi. Thậm chí, tôi thách cược 5 triệu USD song Cục cũng bỏ qua.
**Các hãng bay e ngại chi phí quá cảnh qua Lào và Campuchia khá cao nên khó có lãi, ông nghĩ sao?
Tiến sĩ Trần Đình Bá: Chi phí quá cảnh theo thông lệ quốc tế nên khó mà giảm được. Tuy nhiên, dù phải chịu mức phí 600-800 USD thì vẫn tiết kiệm được 5.000 USD mỗi chuyến máy bay Boeing và 3.500 USD máy bay Airbus so với hiện nay. Đó là đường bay thẳng Hà Nội, còn các đường bay thẳng khác thì tiết kiệm được rất nhiều.
Trước đây, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng bay qua Lào và Campuchia là không đảm bảo an toàn. Suy nghĩ này, tôi cho là không thuyết phục. Các nước Đông Dương đang sống trong hòa bình, hàng ngày có rất nhiều chuyến bay Việt Nam đi các nước Lào, Campuchia và ngược lại.
Với ngành hàng không các nước, việc bay qua bầu trời của nhau là bình thường. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế khuyến khích các nước mở rộng bầu trời để bay thẳng, tiết kiệm nhiên liệu.
Ở các nước châu Âu, mỗi phút có hàng trăm chuyến bay giao nhau trên trời thì không thể nói có khó khăn do nhiều giao cắt. Lãnh đạo Cục Hàng không nói bay thẳng Hà Nội - TP HCM khó khăn vì có 13 giao cắt thì các đường bay vòng cũng phải có giao cắt và chặng Hà Nội - Cần Thơ hiện tại cũng có nhiều đường giao cắt, đó là mâu thuẫn.
Cục Hàng không cho biết đã có đề án nghiên cứu đường bay thẳng cách đây cả chục năm, song tại sao đề án đó không triển khai và khi người khác có ý tưởng thì lại phủ nhận./.
Theo báo cáo gửi Chính phủ hôm 26/8, Bộ GTVT cho biết đã làm việc với Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân và đã nhận được sự ủng hộ trong việc mở đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đàm phán với Cục Hàng không dân dụng Lào và Ủy ban Nhà nước Hàng không dân dụng Campuchia để thống nhất các yếu tố kỹ thuật, tài chính liên quan đến việc bay qua vùng trời hai nước của các hãng hàng không Việt Nam. Đồng thời, Lào và Campuchia sẽ xem xét việc giảm phí điều hành bay qua vùng trời đối với các chuyến bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam.