Bà Huỳnh Thị Mỹ Vân cũng như nhiều nông dân ở ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) có ý định phá bỏ 8 công vườn trồng cây thanh long đã kém năng suất, lại giá thấp để trồng lại cây này hoặc chuyển sang cây trồng khác hy vọng hiệu quả hơn. Bởi trái thanh long ruột trắng, ruột đỏ hiện rớt "chạm đáy”, chỉ còn vài nghìn đồng/kg, không đủ trả tiền nhân công thu hoạch.

“Thanh long mấy năm nay bán có lúc được trên 20.000 đồng/kg, rồi 20.000, mười mấy nghìn đồng/kg rồi nay còn 2.000 – 3.000 đồng/kg. Giá này thì lỗ vốn chứ có lời gì đâu. Bây giờ phá trồng lại chắc trồng nó nữa chứ biết trồng cây gì bây giờ. Mình sống nhờ cây thanh long mà cây này thu nhập không được bao nhiêu hết”, bà Huỳnh Thị Mỹ Vân tâm tư.

Còn ông Dương Thanh Nhựt, nông dân ở ấp Tân Hòa, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cũng phá bỏ hơn 2 công đất trồng cây thanh long. Ông Nhựt cho biết, đang bỏ đất trống chưa biết phải trồng cây gì thay thế cây thanh long, vì cây này nay đã kém hiệu quả.

“Trồng cây thanh long cực quá, cây bệnh quá không chăm sóc nổi. Bán thì không có giá, trái hiện nay còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, bị lỗ hoài. Bây giờ phá cũng chưa biết trồng cây gì”, ông Nhựt than thở.

Ở vùng trồng chuyên canh cây thanh long của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang có nhiều nhà vườn thuê cơ giới đào gốc thanh long, cải tạo lại khu vườn khi trái thanh long đầu ra khó khăn, rớt giá kéo dài dẫn đến thua lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây dừa, bưởi da xanh, mít thậm chí trồng hoa màu xen canh...

Tại xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo hiện có khoảng 40 cơ sở, doanh nghiệp chuyên thu mua trái thanh long nhưng đa phần đều đóng cửa. Nhiều nông dân còn phá vườn thanh long già cỗi để trồng lại cây lúa, cây dừa...

Ông Nguyễn Phương Bình, Chủ tịch UBND xã Đăng Hưng Phước cho biết, xã định hướng nông dân cải tạo lại các khu vườn đã già cỗi, kém năng suất, có thể trồng lại cây ăn trái khác nhưng phải theo tiêu chuẩn an toàn sạch bệnh.

“Tình hình này rất khó cho cây thanh long. Gần như cả mùa thuận, mùa nghịch năm nay người dân đều bị lỗ do chi phí đầu vào như: phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công đều tăng. Xã định hướng cho người dân trồng các loại cây ăn trái phải đạt theo các tiêu chuẩn. Nhiều diện tích cây thanh long già cỗi người ta chuyển sang trồng dừa lấy nước, trồng bưởi... Các doanh nghiệp, HTX định hướng với đối tác để có đơn hàng, vận động người dân sản xuất đạt tiêu chuẩn để đầu ra ổn định hơn”, ông Bình nói.

Tình trạng không ít nhà vườn ở tỉnh Tiền Giang phá bỏ vườn cây thanh long kém năng suất để trồng lại chính cây này hay chuyển đổi trồng cây, nuôi con giống khác mong có hiệu quả kinh tế hơn là cần thiết. Tuy nhiên, các ngành chuyên môn cần tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ nhà vườn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ cây/con giống chất lượng cao, hấp dẫn thị trường tiêu thụ.