Sáng 23/9, tại TP HCM, Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng năm 2012 và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2015”. Tham dự hội thảo có các chuyên gia kinh tế của các cơ quan điều hành, tổ chức kinh tế, viện trường trong nước.

Hơn 20 tham luận và các ý kiến tại hội thảo tập trung vạch rõ những vấn đề nóng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay và nguyên nhân của tỉnh trạng này như: vấn đề nợ xấu tăng, đầu tư công cao trong khi GDP thấp, tỷ giá vàng và USD Mỹ biến động, đồng tiền Việt Nam mất giá nhiều…

Trong các vấn đề nóng của kinh tế Việt Nam, hội thảo đặc biệt nhấn mạnh đến tình hình kinh tế thế giới có tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam như: GDP 2011 và 2012 thấp hơn 2010, động lực phục hồi nằm ở các nền kinh tế đang phát triển, các đầu tàu tăng trưởng truyền thống của thế giới đang vật lộn với khó khăn… Điều này khiến Việt Nam phải tính đến khả năng xuất khẩu sản phẩm xuất khẩu lao động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu: “Phát triển của Việt Nam hiện nay không thể tách rời khỏi thế giới vì chúng ta đã hội nhập sâu rộng. Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận ở nguyên nhân bên ngoài thì không đủ, nhưng nếu nhìn nhận nguyên nhân bên trong mà chỉ dừng lại ở nguyên nhân chính sách tiền tệ, đầu tư công thì chưa đủ, phải mổ xẻ đến tận cùng của vấn đề”.

Các chuyên gia kinh tế đều có chung đề nghị là phải quyết liệt giảm lạm phát, ổn định kinh tế trước khi tính đến tốc độ tăng trưởng, phân bổ nguồn lực cho phát triển hợp lý hơn. Trước tiên, phải có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô cho hai năm 2012- 2013 với mức tăng trưởng không thể cao như mức đã dự kiến trong giai đoạn 2011- 2015. Bên cạnh đó, phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết XI của Chính phủ thành một chương trình đổi mới để tác động mạnh hơn đến cắt giảm đầu tư công, hạn chế đầu tư dàn trải, đảm bảo an sinh xã hội, lấy lại lòng tin của người dân vào sự phục hồi của nền kinh tế. Việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, phân cấp đầu tư giữa Trung ương và địa phương, sắp xếp và giải các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng là một những giải pháp phải thực hiện để tái cơ cấu nền kinh tế.

Tiến  sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp cho biết: “Cho đến nay, chúng ta đã nỗ lực để kiềm chế lạm phát nhưng lạm phát vẫn cứ lặp đi lặp lại, cho nên phải nghĩ rằng, bài thuốc của chúng ta chưa hiệu quả. Tôi nghĩ rằng, để ổn định kinh tế vĩ mô, không thể dừng ở các chính sách tiền tệ, tín dụng, biện pháp hành chính như vừa qua mà phải thực hiện cải cách ngân sách, giảm thu giảm chi trong Nhà nước, cải cách hệ thống tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước, điều chỉnh rõ đầu tư công”./.