Trong Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2021 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức ngày 20/4, tại Hà Nội, các chuyên gia khẳng định, “Năm 2020, trong bối cảnh hầu hết các lĩnh vực kinh tế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam đi ngược xu thế, với mức tăng trường cao nhất khu vực Đông Nam Á”.
Cụ thể, tháng 4/2020 ngay sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhanh hơn 5.000 doanh nghiệp về tác động của đại dịch và công bố báo cáo “Thương mại điện tử tăng tốc sau Covid-19”.
Báo cáo nhận định dịch Covid-19 nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng Hai đến tháng Tư 2020, kênh mua sắm này trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ. Điểm nổi bật là trong khủng hoảng doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng. Kết quả khảo sát nhanh vào tháng Năm sau đó củng cố nhận định này.
Tính chung cả năm ngoái, thương mại điện tử tăng trưởng 15%, đạt quy mô khoảng 13 tỷ USD. Quan trọng hơn, với quá trình dịch chuyển số của các doanh nghiệp và sự thay đổi trong nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, các chuyên gia nhận định tốc độ này sẽ được duy trì, bền vững trong cả 5 năm tới.
Ông Nguyễn Bình Minh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam thông tin cụ thể, trong 5.000 doanh nghiệp khảo sát năm nay, 90% là doanh nghiệp ngoài nhà nước còn lại là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ. TP HCM và Hà Nội đang bứt phát rất nhanh. Các địa phương khác thì mời chỉ bắt đầu chú ý đến Thương mại điện tử. Để phát triển thương mại điện tử, các sở công thương cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong doanh nghiệp hay các ban ngành khác. Chúng tôi tin tưởng rằng TMĐT sẽ là một công cụ để giúp các địa phương vượt khó rất nhanh, đặc biệt là những địa phương liên quan đến các lĩnh vực như nông nghiệp.
Về hạ tầng, Hà Nội, TP HCM đang có tốc độ phát triển hạ tầng hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động Thương mại điện tử. Đây cũng là những địa phương có chỉ số giao dịch thương mại điện tử ở Top đầu. Các chuyên gia cũng khẳng định, vẫn còn những khoảng trống trong các quy phạm pháp luật, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới để hỗ trợ thương mại điện tử Việt Nam vượt qua thử thách giai đoạn số hóa, tiếp tục thành công hơn nữa, đóng góp vào tăng trưởng chung./.