Ngày19/12, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo “Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức mua bán và sáp nhập”, nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin về cơ hội đầu tư cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư công nghiệp qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, công nghiệp Việt Nam có những bước chuyển biến mạnh mẽ, chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012. Những ngành được đánh giá tăng trưởng vượt bậc trong năm 2016 là sản xuất kim loại tăng gần 18%; sản xuất xe có động cơ tăng trên 16%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng gần 13%.

img_3285_izpf.jpg
Các diễn giả tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư công nghiệp thông qua hình thức mua bán và sáp nhập”.
Xét về mặt hàng, một số sản phẩm có chỉ số công nghiệp tăng cao gồm tivi, thép cán, ô tô, sắt thép thô, thức ăn gia súc, sữa bột. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng tốt trong năm nay (2017) với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tính chung 11 tháng đã tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn nhiều mức so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm ngoái.

Những con số này cho thấy công nghiệp Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh. Nếu có sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp và tiềm năng vốn lớn, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá và phát triển hơn nữa.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cho biết, hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn rót vốn vào những doanh nghiệp đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn nhằm hiện thực hóa mục tiêu đầu tư lâu dài vào Việt Nam.

Trong đó, các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan hiện đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất…

Tuy nhiên, khu vực được đánh giá có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là một số thương vụ lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng. Vì vậy, thời gian tới, cần có biện pháp đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến đầu tư quốc tế, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Ông Phú cho rằng, M&A là hoạt động rất quan trọng và chắc chắn sẽ phổ biến trong thời gian tới ở Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do, thực hiện các cam kết về bảo hộ quyền lợi, quyền và lợi ích của các nhà đầu tư.

“Sẽ phải sửa đổi những quy định khung khổ pháp lý cho các nhà đầu tư theo hướng minh bạch hơn, hoàn thiện hơn. Trong thời gian tới, hình thức đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại nói riêng và đầu tư vào các lĩnh vực trong nền kinh tế nói chung thông qua hình thức mua bán và sáp nhập sẽ trở nên phổ biến”, ông Phú nhận định./.