Khoảng 1 nửa tổng đàn lợn của tỉnh Đồng Nai đã phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, phần lớn các xã của tỉnh này đã công bố qua thời gian 30 ngày không tái phát dịch. Cùng lúc này, giá heo hơi tăng cao kỷ lục nên người chăn nuôi nóng lòng tái đàn. Nhưng tái đàn là không dễ, và cũng nhiều rủi ro, bởi dịch có thể quay lại bất cứ lúc nào. 

vov_ta_lon_cuxk.jpg
Người chăn nuôi cần thực hiện an toàn sinh học tuyệt đối nếu muốn tái đàn.

Phải đảm bảo an toàn sinh học

Phải đảm bảo an toàn sinh học tuyệt đối, đây là điều kiện tiên quyết để người chăn nuôi có thể tái đàn và “sống chung” với dịch tả lợn châu Phi. Đó là ý kiến được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra khi đề cập đến việc tái đàn lúc này. Bởi dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm với nhiều chủng virus có độc lực cao, tồn tại lâu trong môi trường, có nhiều nguồn phát tán và đặc biệt là chưa có thuốc chữa cũng như vaccine phòng bệnh.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, Khoa Chăn nuôi, Trường Đại học Nông lâm TP HCM nhận xét, trước khi có dịch tả lợn châu Phi, việc thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi ở nước ta vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Trong khi các công ty, tập đoàn chăn nuôi lớn có các điều kiện về tài chính, phương tiện kỹ thuật, chuyên gia… thực hiện an toàn sinh học tương đối tốt, thì ở phạm vi nông hộ, trang trại chăn nuôi kiểu truyền thống lại không có nhiều điều kiện từ kiến thức cho đến vấn đề kỹ thuật, thiết kế chuồng trại… nên còn rất nhiều điểm hở về an toàn sinh học. Do đó khi dịch xảy ra gần như không thể chống đỡ.  

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải, để có thể tái đàn thì không có cách nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học để cách ly virus khỏi đàn vật nuôi.

“Chúng ta không có cách nào khác ngoài biện pháp an toàn sinh học. Khi thực hiện an toàn sinh học, chúng ta không những bảo vệ đàn heo chống lại con virus dịch tả lợn châu Phi mà còn có thể bảo vệ đàn heo chống lại tất cả những tác nhân khác. Áp dụng an toàn sinh không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi không bị bệnh, mà còn đem lại hiệu quả rất lớn là sản phẩm sẽ trở nên an toàn hơn cho người tiêu dùng”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hải nói.

Thận trọng tái đàn

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, trong lúc các trại heo tại Đồng Nai bị dịch tả lợn châu Phi “càn quét” khốc liệt, thì có một điểm đặc biệt là có những trang trại hoàn toàn không bị dịch, chủ trại bảo vệ đàn heo thành công. Điểm chung của những trang trại này là nằm xa khu dân cư, chủ trang trại thực hiện an toàn sinh học tốt. Thời gian vừa qua tại Đồng Nai đã có khoảng vài chục trang trại tái đàn và chỉ khoảng một nửa trong số đó thành công, do đó người chăn nuôi đã có thể tái đàn, nhưng cần thận trọng.

Ông Công cũng nhận định, giá lợn hơi đang ở mức rất cao, liên tiếp phá “kỷ lục giá” nên nhiều người chăn nuôi có tâm lý nôn nóng tái đàn nhằm gỡ gạc lại thiệt hại. Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai khuyến cáo, nếu có ý định tái đàn, người nuôi cần thận trọng, phải đánh giá được khả năng có thể đảm bảo an toàn sinh học của trại mình, chỉ tái đàn khi đã chuẩn bị kỹ càng các điều kiện an toàn.  

“Trong tình hình hiện nay i tái đàn chúng ta cần hết sức thận trọng. Quan trọng đối với các chủ trại là chúng ta cần xác định đã sát trùng kỹ chưa. Kinh nghiệm cho thấy có một số trang trại mà còn tồn tại là những trang trại kín, cách ly xa dân cư. Đây là những an toàn tương đối hiện nay. Chúng tôi khuyến cáo người nuôi phải tuân thủ các biện pháp an toàn, và không ai có thể đánh giá bằng chính chúng ta”, ông Công nói.

Khó khăn chưa dừng lại ở đó, để tái đàn, nông dân còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như nguồn tài chính, giá con giống rất cao trong khi lượng heo nái không còn nhiều, còn heo hậu bị thì sẽ phải cần thêm thời gian.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai) - ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, với 119/137 xã của Đồng Nai đã qua 30 ngày không phát sinh dịch, việc tái đàn được ưu tiên ở thời điểm hiện nay nhằm giảm áp lực nguồn cung đối với thị trường thịt heo.

Tuy nhiên, việc tái đàn phải được kiểm soát. Đối với các nông hộ nhỏ lẻ, ông Giang cho rằng việc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị có thế mạnh an toàn sinh học là một giải pháp, dĩ nhiên là lợi nhuận sẽ không bằng.

Ông Giang nói: “Hướng để tái đàn thành công thì các trang trại phải nâng cao an toàn sinh học. Thời gian qua chúng tôi thấy có một số doanh nghiệp lớn họ làm khá tốt, đàn heo của họ thiệt hại không nhiều. Để làm được cái này thì các trang trại muốn tái đàn có thể liên kết với các doanh nghiệp".

Giá thịt lợn vẫn đang “sốt” từng ngày, dù có nóng lòng thì người chăn nuôi sẽ phải tự quyết định tái đàn hay không tái đàn ở thời điểm này. Bởi hơn ai hết, nông dân hiểu rằng lúc này tái đàn có thể ví như một canh bạc, “được ăn cả, ngã về không”. Dịch đi qua dù thiệt hại là vô cùng lớn, nhưng có lẽ cũng chính là lúc để nông dân trở thành những người chăn nuôi chuyên nghiệp với lựa chọn của mình./.

An toàn sinh học là gì?Theo các chuyên gia, việc thực hiện an toàn sinh học dù không dễ nhưng không phải không làm được. Trên nguyên tắc giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ, người nuôi cần đảm bảo khu vực chăn nuôi cách xa nhà ở, khu dân cư, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác; kiểm soát không để người lạ, chim hoang dã, các loài gặm nhấm, chó mèo ra vào khu vực chăn nuôi; có các biện pháp sát trùng; tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; thu gom và xử lý chất thải bằng các biện pháp thích hợp. Bên cạnh đó là các biện pháp chăm sóc, dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; kiểm soát thức ăn, vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại.