Những ngày qua, dù giá thịt heo tại tỉnh Bình Thuận liên tục tăng phi mã nhưng người chăn nuôi vẫn ngập ngừng tái đàn bởi vì dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ tái phát.
Các hộ chăn nuôi e dè tái đàn du giá thịt lợn tăng cao. |
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, tính đến giữa tháng 11/2019, toàn tỉnh có trên 40.400 con lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi. Tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy là hơn 2,5 triệu kg. Trong số này, hiện có 9 xã, phường và thị trấn đã công bố hết dịch và 10 xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Trong đợt bùng phát dịch thời điểm tháng 10 vừa qua, không ít trại heo của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) bị xóa sổ. Số ít hộ còn lại may mắn giữ được đàn nhưng trong lúc giá đang cao thì lợn chưa đủ trọng lượng để xuất bán.
Anh Huỳnh Văn Bé, ngụ thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp, chủ trại có quy mô chăn nuôi gần 100 con, cho biết mặc dù giá bán cao nhưng anh không dám mở rộng sản xuất. Trước mắt, anh chỉ duy trì lượng đàn lợn trong chuồng. Riêng lợn con, anh chỉ nuôi từ việc lấy giống chính con nái trong chuồng, chứ không dám mua lợn giống về phục vụ Tết.
Trong khi đó, tại xã Tiến Lợi (TP Phan Thiết), ông Lê Văn Hai vừa bán 21 con lợn với giá bán 72.000 đồng/kg thịt hơi. Theo ông Hai, giá bán này cao hơn gấp đôi so với thời điểm cách đây hơn 1 tháng. Thông thường, nếu như không có dịch tả lợn châu Phi, thì sau khi xuất chuồng ông đã cho tái đàn ngay lập tức. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang còn phức tạp như hiện nay khiến ông e dè.
“Tình hình dịch tả heo châu Phi theo như tôi được biết thì đã xuất hiện trong tỉnh mình. Dịch này xong rồi không biết còn dịch khác nữa hay không, nên tâm lý chung của bà con là bán nhanh để hạn chế dịch, được giá nào bán giá đó”, ông Hai nói.
Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn những diễn biến khó lường thì các địa phương cần quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tăng cường vệ sinh sát trùng chuồng trại, thực hành chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố đã công bố dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, cấp xã cần tổ chức khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn trong thời điểm hiện nay để hạn chế thiệt hại, đặc biệt đối với các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi đã có lợn tiêu hủy phải có cam kết không tái đàn./.
Trong bão dịch tả lợn châu Phi, Thanh Hóa kiểm soát chặt việc tái đàn
Giá lợn tăng mạnh, hộ nuôi chưa dám tái đàn