Do nguồn cung cấp khí bị gián đoạn ở một số thời điểm các tháng tới, một số tổ máy nhiệt điện khí như Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2, Phú Mỹ 2-2, Phú Mỹ 3 sẽ chuyển sang chạy dầu để bảo đảm điện cho khu vực miền Nam.

Thông tin trên được đại diện Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVN HCMC) nêu ra tại hội nghị khách hàng về tình hình cung ứng điện năm 2013 diễn ra sáng 3/5.

Theo EVN HCMC, giai đoạn mùa khô từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, do hệ thống điện miền Nam không nguồn dự phòng do các nhà máy nhiệt điện than và khí đã vận hành tối đa, nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện nếu các nhà máy nhiệt điện than hoạt động không ổn định hoặc có sự cố ở một tổ máy nhiệt điện lớn.

Trong tháng 7 tới, dự kiến có đợt ngừng cấp khí Cà Mau (14 ngày) để sửa chữa bảo dưỡng hệ thống khí. Trong những ngày này hệ thống điện quốc gia sẽ thiếu công suất và miền Nam sẽ bị quá tải các đường dây truyền tải, khi đó sẽ chuyển sang chạy dầu DO các tổ máy nhà máy điện Cà Mau và huy động tổ máy của nhà máy điện Ô Môn.

Tiếp đó đến tháng 9, sẽ có thêm đợt ngưng lô khí 06.1 (hai mỏ khí tự nhiên Lan Tây và Lan Đỏ nằm ngoài khơi cách Bà Rịa-Vũng Tàu 370 km) để mở rộng hệ thống xử lý nước thải (7 ngày) cùng với nhà máy khí Nam Côn Sơn ngừng 1 ngày để bảo dưỡng. Khi đó hệ thống điện sẽ chuyển một số tổ máy Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch 1, 2, Phú Mỹ 2-2, Phú Mỹ 3 sang chạy dầu để chống quá tải cho lưới điện miền Nam.

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, chi phí chạy dầu để chống thiếu điện cho miền Nam sắp tới dự báo khá lớn, để chạy 1 tỉ kWh điện bằng dầu thì phải mất chi phí khoảng 5.000 tỉ đồng. Dự kiến mùa khô năm nay EVN phải chạy dầu hơn 2 tỉ KWh điện cho miền Nam.

Trong 4 tháng đầu năm sản lượng điện tiêu thụ cả nước tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên đến giờ này vẫn chưa có nhà máy nhiệt điện khí, than nào phải chuyển sang chạy dầu.

Về xu hướng giá điện sắp tới sau khi ngành than vừa tăng giá bán than cho điện, ông Nguyễn Tấn Lộc cho biết than bán cho điện được điều chỉnh theo thị trường, hướng sắp tới là giá điện cũng sẽ điều chỉnh theo giá thị trường chứ không bao cấp mãi, chi phí đầu vào sản xuất điện tăng thì đầu ra (giá bán điện - PV) phải tăng. Tuy nhiên, giá điện là do Chính phủ quyết định và sẽ trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.

Hiện nay, tổng công suất điện cả nước là 25.482 MW; năm 2013 sẽ đưa thêm vào hệ thống 2.683 MW, nâng tổng công suất cả nước lên 28.165 MW. Trong đó, thủy điện chiếm 44%, nhiệt điện than và khí 44,4%, nhiệt điện dầu 4,6%, nhập khẩu 3,8% và các nguồn còn lại chiếm 2,9%./.