Theo dự thảo về kinh doanh khí đang được Bộ Công Thương xây dựng (dự kiến áp dụng từ năm 2015), nhiều quy định mới sẽ được áp dụng với các đại lý và tổng đại lý kinh doanh gas. Tuy nhiên, những chế tài mạnh để kiểm soát thị trường vẫn không được cơ quan quản lý đề cập như kỳ vọng.
Bát nháo quản lý
Tình trạng bát nháo, buông lỏng quản lý thị trường gas được phản ánh nhiều trong thời gian gần đây. Sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dường như đồng hành với nhiều “điều tiếng” của việc kinh doanh gas ở các địa phương, khi tình trạng kinh doanh không phép, mất an toàn, ăn cắp vỏ bình, gian lận trọng lượng gas liên tiếp bị phát hiện.
Mới đây nhất, cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện một doanh nghiệp kinh doanh gas chưa đủ giấy phép với tiêu chí “3 không”: Không giấy phép, không đảm bảo an toàn chữa cháy, không đáp ứng điều kiện kinh doanh được đặt giữa Khu đô thị Mỹ Đình 1 với nhiều trường học ở xung quanh.
Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam cho rằng, thị trường gas hiện rất manh mún. Tổng sản lượng hơn 1,2 triệu tấn gas/năm, nhưng có tới gần 80 đầu mối cùng tham gia kinh doanh. Trong khi với sản lượng gần 5 triệu tấn/năm, cả đất nước Thái Lan chỉ có 5-6 đầu mối. Do đặc thù phải đầu tư lớn, trong khi lượng tiêu thụ thấp, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm mọi cách để tồn tại.
Một chuyên gia am hiểu thị trường gas khẳng định, quản lý thị trường gas ở Việt Nam là việc… quá khó. Tình trạng chiếm dụng, ăn cắp vỏ bình bằng cách cắt tai, xóa mã số, tên hãng gas, gian lận trọng lượng bình gas chỉ là vấn đề bề nổi trong quản lý thị trường. Những quy định ban hành, xây dựng trong thời gian qua chỉ những doanh nghiệp làm ăn chân chính mới thực hiện; còn những đơn vị mang tính đầu cơ, chụp giật, vi phạm thường xuyên nhưng ít bị xử lý.
Loạn vẫn phải chờ hướng dẫn?
Theo trưởng phòng kinh doanh gas của một doanh nghiệp ở TP HCM, sự lỏng lẻo về xây dựng quy định cũng thể hiện khá rõ khi dự thảo chỉ quy định khuyến khích thương nhân đầu tư phát triển cơ sở kinh doanh khí (theo các quy định của pháp luật hiện hành) thay vì một chế tài cụ thể.
Theo vị chuyên gia trên, thị trường gas hiện giống như thị trường xăng dầu. Dù có rất nhiều đầu mối, nhưng thị phần lại tập trung chủ yếu ở một đơn vị duy nhất là PV Gas và một vài doanh nghiệp lớn khác với thị phần trên 70%. Do vậy, sự cạnh tranh, giành giật, chủ yếu diễn ra giữa các doanh nghiệp nhỏ.
“Dù sản lượng của ngành gas chỉ hơn 1 triệu tấn/năm, nhưng tổng lợi nhuận thu về cho các doanh nghiệp cao gấp nhiều lần so với việc kinh doanh xăng dầu (tổng lượng kinh doanh xăng dầu/năm 2013 của tất cả các doanh nghiệp đầu mối cộng lại hơn 12 triệu tấn). Nếu chỉ nhìn vào số lợi nhuận thu được từ kinh doanh gas tính theo lượng bán ra, doanh nghiệp gas phải luôn có mức lãi 30%”, vị này phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này, dù giá gas được điều chỉnh thường xuyên theo giá thế giới vào ngày đầu tiên của mỗi tháng. Giá bán do các doanh nghiệp đưa ra chỉ là giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng. Trong khi giá bán ra thực tế của doanh nghiệp, lợi nhuận bao nhiêu, không phải ai cũng biết.
Theo một quan chức của Bộ Công Thương, hiện nay, khó khăn trong quản lý là kinh doanh khí hóa lỏng không thuộc lĩnh vực doanh nghiệp độc quyền hoặc nhà nước độc quyền.
Theo đó, thương nhân đầu mối được phép trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu khí hóa lỏng (trước năm 2013 là 30 đơn vị với 7 doanh nghiệp nhà nước, 16 doanh nghiệp quốc doanh và 7 doanh nghiệp FDI). Các thương nhân trên đều có quyền và nghĩa vụ có tác động đến giá bán trên thị trường trong nước./.