Chiều 11/1, tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ với 92,79% đại biểu tán thành, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 và được thực hiện trong 5 năm. Nghị quyết được thông qua sẽ khơi thông điểm nghẽn để Cần Thơ phát huy các tiềm năng, lợi thế, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững, nhanh chóng trở thành đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.
Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.Cần Thơ về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kếp hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Là trung tâm của vùng ĐBSCL, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ sẽ là đòn bẩy để Cần Thơ tăng tốc bứt phá trong thời gian tới. Trong đó, việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ được kỳ vọng là bước đột phá lớn để giải bài toán nông nghiệp vùng ĐBSCL, sức lan tỏa của Nghị quyết sẽ giúp các địa phương trong vùng phát huy được thế mạnh về nông nghiệp vốn đang bị kìm hãm bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu thô, không có sức cạnh tranh và tiêu thụ hiện nay chủ yếu thông qua các thương lái bị ép giá và chịu nhiều rủi ro.
Anh Phan Văn Nghĩa, ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho biết, việc hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ giúp các mặt hàng nông sản ổn định đầu ra, nâng cao giá trị nông sản thông qua chế biến và cảnh “được mùa rớt giá” sẽ không còn. Vừa qua, khi tắc biên giá mít tại vườn mà anh Nghĩa bán cho thương lái 4.000 đồng/kg, không đủ chi phí vật tư đã bỏ ra. Với việc hình thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế chiến và tiêu thụ vùng ĐBSCL, anh Nghĩa hy vọng hơn 1.000 cây mít Thái của gia đình anh có cơ hội liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra.
“Mong nhà nước làm nhà máy chế biến hay tiêu thụ có thể đỡ chút. Làm đó khỏi qua trung gian thì quá hay, đối với nông dân vậy quá tiện. Có được mấy công ty đó mở ra làm thì nông dân quá khỏe, mình làm được mình đem vô đó chế biến xuất khẩu ra nước ngoài. Ổn định được thì nông dân cứ làm tới”, anh Phan Văn Nghĩa nói.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng, việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL với mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ” sẽ góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà gồm nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Ông Trần Việt Trường nhìn nhận, khu liên kết sẽ là nơi các doanh nghiệp, người dân tiến hành sản xuất, chế biến, giao dịch trong nước và xuất khẩu, chào bán nông sản. Đặc biệt, cùng với việc hình thành các kho lạnh cấp vùng có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như trước đây sẽ giúp người dân không còn chịu áp lực về thời điểm quyết định giá bán, tìm đầu ra phù hợp cho sản phẩm và nhận lại lợi nhuận “công bằng” so với lao động, chi phí đầu tư đã bỏ ra. Đồng thời, doanh nghiệp cũng yên tâm về nguyên liệu đầu vào, giải quyết căn cơ được tình trạng thừa, thiếu cục bộ trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản trong thời gian qua.
“Dự kiến thu hút khoảng 150 doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản, với vốn đăng ký dự kiến trên 1,2 tỷ USD, doanh thu trung bình dự kiến mỗi dự án khoảng 6,5 triệu USD/năm, tổng doanh thu dự kiến của toàn trung tâm ước khoảng 975 triệu USD/năm, nộp ngân sách khoảng 50 triệu USD/năm, khoảng 5% tổng doanh thu theo mức thuế suất ưu đãi được hưởng”, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết thêm.
Việc hình thành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ giải bài toán nông sản cho vùng ĐBSCL, góp phần sớm giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản vùng, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hệ thống logistics; nâng cao giá trị sản phẩm thông qua sản xuất, chế biến và xuất khẩu, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho người lao động trong khu vực ĐBSCL./.