Ngày 4/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ.
Trong Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ nêu rõ: Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, đóng vai trò kết nối với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sẽ giúp Cần Thơ khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để phát triển Cần Thơ thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.
Trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ có việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ, đây được kỳ vọng sẽ giúp các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Thời gian qua nông nghiệp vùng ĐBSCL đóng góp rất lớn vào xuất khẩu của cả nước như thủy sản, trái cây, lúa gạo. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, phần lớn các hộ nông dân tập trung vào khâu sản xuất, không có kho trữ, ít vốn, bị các thương lái ép giá và chịu nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất và liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu bền vững; chi phí logistics tăng cao do phải vận chuyển hàng nông sản lên TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu để tiêu thụ và xuất khẩu; tỷ lệ chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL chưa cao, nhất là trái cây.
Việc đề xuất thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ tạo điều kiện để hàng hóa nông sản vùng ĐBSCL được thông suốt từ khâu từ thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối, xuất khẩu.
Ông Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ cho biết: "Việc thành lập trung tâm này tạo ra cơ chế thu hút các dự án đầu tư cho các đơn vị tập trung cho nghiên cứu, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Việc thành lập này sẽ tăng tính cạnh tranh của hàng nông sản cũng như sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là phát huy cái trung tâm này chính là cái phát huy cái thế mạnh của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL để giúp cho các sản phẩm nông nghiệp của vùng sẽ tăng được lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn mới"./.