Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo thị trường tuần qua (10-14/2/2020). Theo đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã hút ròng 25.000 tỷ đồng qua thị trường mở. Cụ thể, đơn vị này đã phát hành mới 25.000 tỷ đồng tín phiếu mới và không có lượng tín phiếu đáo hạn nào.
Trên kênh OMO, NHNN tiếp tục không thực hiện hoạt động phát hành mới nào và không có lượng đáo hạn nào. Như vậy, lượng tín phiếu đang lưu hành đã tăng lên mức 86.000 tỷ đồng.
Trong tuần qua, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần ở mức lần lượt là 0,3%; 0,2% và 0,3% xuống mức 2%/năm; 2,3%/năm và 2,32%/năm.
Lãi suất sẽ tiếp tục giảm sâu trong năm nay. (Ảnh minh họa: KT) |
Trạng thái dư thừa thanh khoản vẫn xuất hiện khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu. Theo nhận định của BVSC, với diễn biến này, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục hút ròng trên thị trường mở trong các tuần tới.
Như vậy, từ cuối tháng 1 đến nay, NHNN đã hút ròng về 101.000 tỷ đồng, cao hơn lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường hiện nay. Mặc dù liên tục hút ròng tiền về, nhưng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn giảm liên tục. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, trong những tháng đầu năm 2020, việc điều hành lãi suất của NHNN không có nhiều thay đổi, ví dụ như lãi suất dự trữ bắt buộc, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã có kế hoạch giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh, gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Song song với lãi suất cho vay, lãi suất huy động cũng không thay đổi nhiều.
Từ đầu năm đến nay, thanh khoản của thị trường dồi dào, cùng với chính sách của Nhà nước, NHNN hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 bằng việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ… đã khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm xuống.
TS. Bùi Quang Tín cho biết thêm, trước bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian để phục hồi sản xuất sẽ phải kéo dài qua quý 3 và sang quý 4, bởi thị trường Việt Nam chịu tác động rất lớn từ thị trường Trung Quốc và một số nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Dịch bệnh sẽ kết thúc sớm nhưng sự ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế sẽ kéo dài có thể đến hết năm. Do đó, dự báo lãi suất năm nay sẽ giảm mạnh hơn năm 2019.
Đầu tháng 2, NHNN tổ chức hội nghị với các ngân hàng thương mại để triển khai giải pháp cụ thể, phối hợp tính toán thiệt hại nhằm có phương án tín dụng phù hợp đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các vụ Chính sách tiền tệ, Tín dụng nghiên cứu, chỉ đạo ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ, chuyển nợ, giãn nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
Ông Tú cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19./.
Giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay có giảm?