2018 là năm khá đặc biệt của Tây Nguyên về phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, kinh tế đã có những chuyển hướng quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp, không chỉ công nghiệp chế biến, khai khoáng mà nhiều lĩnh vực mới như điện gió, điện mặt trời đã góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt của Tây Nguyên đầy nắng và gió.
Điện gió có nhiều tiềm năng phát triển ở Tây Nguyên. |
Bên cạnh những khởi sắc về các chỉ tiêu, Trong đó thu ngân sách của 5 tỉnh Tây Nguyên đều đạt và vượt, thì các vấn đề về xã hội, môi trường, vẫn là những thách thức lớn, đòi hỏi cả chính quyền các tỉnh, người dân và doanh nghiệp phải cùng cố gắng khắc phục.
Đã sau khá nhiều năm, ở khu vực Tây Nguyên mới có sự náo nức của các dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp. Những chuyến xe siêu trường siêu trọng, chở theo những đoạn cột thép và những cánh quạt gió khổng lồ, tấp nập trên quốc lộ 14, QL26 qua tỉnh Đăk Lăk, báo hiệu những dự án điện gió đầu tiên sắp đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Ngọc Thông-Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn Môi trường, Sở Công thương Đắk Lắk cho biết, các nhà đầu tư đánh giá rất cao tiềm năng điện gió ở tỉnh, với 6 dự án được khảo sát, tổng mức đầu tư khoảng 1tỷ 620 triệu USD tương đương với gần 37.000 tỷ đồng. Những cánh quạt, tuorbin, thân cột khổng lồ mà mọi người nhìn thấy, đang được lắp đặt tại xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, trong một dự án sẽ hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia ngay trong tháng tới.
"Tiềm năng phát triển điện từ gió ở Đắk Lắk là khả quan. Bộ Công thương đã phê duyệt quy hoạch phát điện năng từ gió giai đoạn 2030 khoảng 1.400 MW. Hiện tại, một nhà máy đã xây dựng lắp đặt xong với công suất khoảng 30MW, cuối năm sẽ đi vào hoạt động. Còn lại, các dự án khác sẽ triển khai hoàn thành đo gió, lắp đặt đến năm 2025 sẽ hoàn thành", ông Thông cho hay.
So với điện gió, tiềm năng điện mặt trời ở Tây Nguyên càng được đánh giá cao. Trên những đồng đất ở vùng sâu Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã mọc lên những trang trại sản xuất điện rộng mênh mông, được lắp đặt bởi hàng vạn tấm pa-nô pin mặt trời.
Ông Tạ Chí Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pa, vui mừng: đất đai trong huyện đa số là cằn cỗi, sỏi đá, nhưng nắng nóng lại dư thừa. Các dự án điện mặt trời tại địa phương là mảng ghép lý tưởng để vừa khai thác được tiềm năng vừa tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
“Hiện nay, UBND tỉnh cho phép 17 nhà đầu tư khảo sát 19 vị trí để thực hiện dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.000 MW. Đây là tiềm năng lớn góp phần phát triển năng lượng tái tạo chung của quốc gia, cũng là tiền đề để huyện Krông pa, tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ việc giảm giá trị của ngành nông nghiệp, tăng giá trị ngành công nghiệp trong giai đoạn tới”, ông Khanh nói.
Cùng với việc đưa vào khai thác hiệu quả tài nguyên nắng-gió với khoảng 70 dự án điện mặt trời và điện gió đang khảo sát, tổng công suất khoảng 20.000 MW, thì tài nguyên Bô-xít Alumina của Tây Nguyên cũng dần tìm thấy vị thế xứng đáng; cả giá bán và doanh thu đều tăng gần gấp đôi so 2017.
Riêng ở dự án Nhân cơ, tỉnh Đăk Nông, doanh thu từ Alumin đã đạt hơn 250 triệu USD, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh lên hơn 1,15 tỷ USD. Từ một tỉnh ít dân và khó khăn nhất nhì Tây Nguyên, Đăk Nông đang vươn lên thành tỉnh dẫn đầu về xuất khẩu.
Ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, không chỉ công nghiệp bauxit, ngành chế biến gỗ rừng trồng, thương mại, dịch vụ ở tỉnh đều có mức tăng mạnh, nên năm 2018, thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt 2.400 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra. Điều này tạo thêm động lực và sự tự tin để Đăk Nông triển khai quyết liệt các kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2019.
“Năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc thu ngân sách ngay từ đầu năm phấn đấu đạt chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu Alumin, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, hạt tiêu, hạt điều và một số các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Hải khẳng định.
2018 là năm có nhiều chuyển biến của kinh tế Tây Nguyên. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế ở 5 tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, lĩnh vực quan trọng hàng đầu, quyết định đến sự phát triển bền vững của Tây Nguyên, là nông lâm nghiệp, vẫn tồn tại những vấn đề rất đáng lo ngại. Hàng chục nghìn hộ dân di cư tự do thiếu đất sản xuất, đang gây áp lực lớn lên các cánh rừng. Hàng chục cán bộ ở các tỉnh thiếu trách nhiệm hoặc cấu kết với các đối tượng phá rừng, càng làm cho vấn đề thêm khó giải quyết.
Trong khi rừng bị tàn phá, chủ yếu là để lấy đất sản xuất, thì sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên tiếp tục có dấu hiệu đi xuống ở 3 ngành hàng quan trọng là cà phê, hồ tiêu và cao su. Sau cây cao su, đến lượt cây hồ tiêu bị mất giá từ 2016, nay đến lượt cây cà phê, khiến nông dân các tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Tây Nguyên 2018 còn có sự gia tăng của các loại hình tội phạm mới, đó là tội phạm bảo kê và cho vay nặng lãi, làm xáo trộn đời sống và sản xuất ở nhiều vùng dân cư.
Nhiều dự án năng lượng tái tạo đã thành công tại Tây Nguyên. |
Để tìm biện pháp giải quyết những thách thức đang gặp phải, chỉ trong tháng 12 /2018, ở Tây Nguyên diễn ra 3 hội nghị, hội thảo lớn về nông lâm nghiệp. Tại đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh bắt tay ngay vào việc giải giải quyết đất sản xuất cho bà con dân tộc thiểu số, như một biện pháp tiên quyết để phát triển và ổn định. Thủ tướng cũng chỉ ra giải pháp căn cơ, đòi hỏi cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp cùng thực hiện để hướng Tây Nguyên đến trù phú vững bền:
Đặc biệt là phải kêu gọi được các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, miền núi, phải kết hợp được giao khoán, bảo vệ và trồng rừng, kết hợp trồng những cây giá trị cao dưới tán rừng. Mà tôi khẳng định trồng rừng lấy gỗ là hiệu quả nhất hiện nay. Tôi không ngờ, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ rừng trồng của nước ta năm nay đến gần 10 tỷ USD. Đây là thế mạnh mà chính quyền các cấp phải nhận thức được. Mà anh trồng rừng gỗ lớn, thì trong 10 năm, độ che phủ của rừng đã đạt 90%.
Thực tế 2018 cho thấy, thách thức của Tây Nguyên đang đến cùng với cơ hội. Sức ép xã hội, môi trường đang buộc các tỉnh phải hình thành một cơ cấu kinh tế hài hòa giữa công, nông, lâm nghiệp. Công nghiệp khai khoáng, năng lượng, chế biến… đang có những tín hiệu khả quan. Nếu chính quyền, doanh nghiệp, người dân có những hoạt động đầu tư phù hợp vào nông-lâm nghiệp, kinh tế Tây Nguyên sẽ cân bằng với xã hội-môi trường, đảm bảo phát triển bền vững./.Chùm ảnh: Vùng công nghiệp bauxite Tây Nguyên
4 tỷ USD đầu tư vào khu vực Tây Nguyên