Ngày 26/5, tại Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định diễn ra cuộc làm việc giữa đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), hãng cung cấp máy Doosan (Hàn Quốc) với một số ngư dân có tàu cá đóng mới tại công ty này bị hư hỏng phải nằm bờ.

vov_anh_2_fdea.jpg
Buổi làm việc chiều 26/5 đã không tìm được tiếng nói chung giữa chủ tàu và đơn vị cung cấp máy.
Các ngư dân cho rằng, nhiều tàu cá vỏ thép mới đóng xong phải nằm bờ, gây nhiều thiệt hại cho bà con. Các chủ tàu nói rõ lỗi này thuộc về đơn vị đóng tàu. Trong khi đó, nhà phân phối máy tàu cho rằng, máy hỏng phần nhiều do ngư dân vận hành sai hướng dẫn.

Ông Trần Đình Sơn (ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99245 TS, không kìm chế được bức xúc khi nhắc về chiếc tàu cá ông vừa đóng mới trị giá gần 20 tỷ đồng, trong đó phần máy khoảng 2,7 tỷ đồng do hãng Doosan cung cấp. Chiếc tàu này mới đi được 2 chuyến biển mà máy tàu luôn bị trục trặc, hư hỏng.

Trong chuyến biển thứ 2, máy bị gãy trục, phải thuê tàu ra kéo về bờ, mất hơn 100 triệu đồng. Bây giờ, phía cung cấp máy Doosan chỉ đồng ý sửa chữa lại là không thỏa đáng. Ông Trần Đình Sơn lo lắng, ra biển với máy móc như thế này sẽ không bảo đảm an toàn tính mạng cho ngư dân trên tàu.

“Ngư dân không thể tin tưởng cái máy đó nữa, nên yêu cầu hãng Doosan cấp lại máy mới để ngư dân an toàn, vì tính mạng 12 con người trên tàu này rất mong manh và tài sản này vay của Đảng và Nhà nước. Ngược lại, máy không ổn định nên tôi yêu cầu hãng máy Doosan cung cấp lại cái máy mới. Còn bên Công ty Doosan trả lời là hư cái gì thay cái đấy ngư dân không hài lòng, không an tâm được tại vì không tin tưởng được cái máy này nữa. Đây là lần thứ 2 rồi” – ông Sơn bức xúc nói.

Ngư dân Trần Đình Sơn kiên quyết không chấp nhận sửa chữa mà phải thay máy mới theo đúng hợp đồng bảo hành.
Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Hải cho biết, công ty cung cấp gần 50 máy của Hãng Doosan cho các đơn vị đóng tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định nhưng chỉ có 4 máy đang thực hiện bảo hành. Trong đó có máy tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn bị gãy trục chính. Các chuyên gia của Hãng Doosan cũng đã kiểm tra máy trên tàu của ông Sơn nhưng vẫn chưa xác định được lỗi ở đâu.

Trước những phản ứng gay gắt của các chủ tàu, ông Bùi Thanh Hải giải thích về chế độ bảo hành máy, càng làm cho không khí buổi làm việc thêm căng thẳng.

“Việc bảo hành là bình thường và việc có lỗi của sản phẩm cũng là bình thường. Bởi vì sản xuất không bao giờ khẳng định được là hoàn toàn 100% là sản phẩm tốt. Chính vì thế, tất cả các sản phẩm đều phải có chế độ bảo hành, bởi vì người ta không chắc chắn sản phẩm là tốt hết, thì mong anh Sơn, chủ tàu BĐ 99245 và bà con thông cảm” – ông Bùi Thanh Hải nói.

Kết thúc buổi làm việc, giữa 2 bên không tìm được tiếng nói chung. Nhiều chủ tàu có tàu bị hỏng nằm bờ không đồng ý với việc thay thế phụ tùng máy mà yêu cầu phải thay bằng máy mới.

Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản dẫn đầu cũng đã đến gặp gỡ và trao đổi với ngư dân có tàu vỏ thép bị hỏng. Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, sau đợt kiểm tra này, Bộ NN-PTNT tiếp tục làm việc với các nhà máy đóng tàu làm rõ nguyên nhân của tình trạng nhiều tàu vỏ thép mới đóng xong đã hỏng và có giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ sản, tỉnh Bình Định, hiện 15 tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định đóng mới theo Nghị định 67 luôn bị trục trặc, hư hỏng cần phải có tổ thẩm định độc lập để đánh giá lại.

“Chúng tôi đang tham mưu cho tỉnh để thành lập tổ thẩm định giá trị tàu, những cái gì mà dân chưa thống nhất. Còn trước mắt dân bị trục trặc cái gì thì phải hỗ trợ cho họ. Về trách nhiệm bảo hành thì phía công ty phải làm. Anh bán sản phẩm gì thì cũng phải hướng dẫn sử dụng. Còn đây hư hỏng trong thời gian bảo hành thì phải sửa, thay thế cho người dân” – ông Võ Đình Tâm nêu rõ./.