Tỉnh Bình Định có 56 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ đã đi vào hoạt động, trong đó có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu gỗ và 5 tàu composite. Tuy nhiên, những chiếc tàu vỏ thép đóng mới hoạt động chưa được 1 năm nay phải nằm bờ khiến chủ tàu lo lắng, bất an.
10 chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Định vừa có đơn kiến nghị ngành chức năng nêu rõ, những con tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) và Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu (Bộ Công an) đóng mới vừa đưa vào hoạt động đã bị hư hỏng.
Những chiếc tàu vỏ thép mới đóng của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, phải "nằm bờ". (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Kết quả kiểm tra 3 trong số 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng mới được đưa vào sử dụng ngày 15/4 và 22/8/2016 cho thấy, vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu đều bị gỉ sét, bong tróc.
Máy tàu chính hiệu Mitsubishi của 2 tàu đều bị hư hỏng; phần van ống gỉ sét, xuống cấp; hầm bảo quản không thoát được nước; hệ thống lạnh hoạt động không ổn định; két dầu bị hỏng gây chảy dầu; máy dò cá có đầu dò hỏng không hoạt động được…
Trong khi đó, 20 chiếc tàu vỏ thép do Công ty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu đóng mới cho ngư dân Bình Định thì 6 chủ tàu đã có đơn kiến nghị. Qua kiểm tra 4 tàu cũng cho thấy, vỏ thân một số tàu bị gỉ sét, máy chính của 9 tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng; máy phát điện của 3 tàu hoạt động không ổn; hầm bảo quản không giữ được lạnh; một số tàu làm nghề lưới chụp có gọng bị han gỉ, đứt gãy…
Ông Đinh Công Khánh ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cho biết, con tàu của ông đóng mới hết 18,8 tỷ đồng nay đang phải nằm bờ chờ sửa chữa.
“Ngư dân không có nhiều hiểu biết nhưng được quảng cáo là tàu được đóng bằng thép của Hàn Quốc. Khi nhận tàu lại thấy máy móc không đủ và nhanh hỏng. Trên tàu chỉ có cục máy, thiếu nhiều thiết bị như bảng, dàn táp lô để ngư dân điều khiển. Ngư dân không biết thiết bị nào là báo hiệu nước, cái nào là báo hiệu dầu, cái nào là báo hiệu nhớt để máy chạy”, ông Khánh cho biết.
Ông Phạm Minh Vương, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát cũng than ngắn thờ dài khi con tàu cá BĐ 99144TS của ông có hệ thống bơm nước buồng lái và quạt hút bị hỏng; dàn gọng mành chụp bị đứt, gãy; khoen lưới chụp không sử dụng được, hiện cũng đang nằm bờ.
“Tàu mới đi biển chuyến đầu tiên từ hồi tháng 2 nhưng vừa ra biển là đã bị hư hao. Chuyến biển đó thuê 20 người tương ứng với 150 triệu đồng nên dù tàu chưa đảm bảo tôi vẫn cố cho làm. Tuy nhiên, ra khơi cỡ chừng 10 ngày là buộc phải vào bờ vì hết cách khắc phục, trong khi mỗi tháng vẫn phải trả ngân hàng 150 triệu đồng”, ông Vương bức xúc nói.
Trước thực trạng nhiều con tàu đóng mới trị giá hàng chục tỷ đồng hỏng hóc phải nằm bờ, đại diện 2 đơn vị đóng tàu vẫn tìm mọi cách đổ lỗi cho ngư dân. Họ cho rằng, ngư dân quen sử dụng tàu vỏ gỗ nên chưa thực hiện đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép nên gây gỉ sét.
Về phần máy tàu, các đơn vị cho rằng ngư dân chưa quen sử dụng máy móc hiện đại dẫn đến hỏng hóc. Đối với chất lượng thép sử dụng để đóng tàu, các đơn vị cho rằng trong hợp đồng không thể hiện phải sử dụng thép Hàn Quốc, Trung Quốc hay thép Nhật Bản, mà chỉ nói là thép đủ chất lượng nên ngư dân không thể khiếu nại…
Ngược lại, nhiều ngư dân cho biết, từ khi đóng tàu đến nay, các đơn vị đóng tàu đã không hợp tác và không cho bà con tiến hành giám sát, dẫn đến chất lượng con tàu không đạt như yêu cầu.
Hạ thuỷ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 tại Bình Định
“Đối với việc đóng tàu trước đây đã không có tư vấn giám sát kiểm tra. Sở NN&PTNT sẽ mời Trung tâm đăng kiểm của Bộ NN&PTNT vào để kiểm tra”, ông Hổ nói.
Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Tình trạng hàng chục con tàu vỏ thép của ngư dân ở tỉnh Bình Định vừa mới đóng phải nằm bờ vì hư hỏng giữa mùa khai thác cần được địa phương và các bộ, ngành chức năng quan tâm giải quyết, giúp ngư dân tránh khỏi cảnh nợ nần vì khoản vay hàng chục tỷ đồng đóng mới tàu cá vươn khơi./.