Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2012 (ADO) phát hành ngày hôm nay (3/10) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,1% trong năm 2012 và ở mức 5,7% trong năm 2013, trong bối cảnh thị trường nước ngoài và tín dụng trong nước yếu.
Tỷ lệ lạm phát trung bình của năm nay ước tính 9,1% sẽ lên nhanh ở mức 9,4% vào cuối năm 2013.
Báo cáo ADB ghi nhận, rủi ro trong nước tác động triển vọng chủ yếu là từ lĩnh vực tài chính và có thể tăng lên cho đến khi vấn đề nợ xấu được giải quyết dứt điểm. Ngân hàng Nhà nước thừa nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ có thể sẽ gần mức 9% hơn. Một báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ước tính chi phí ổn định lại hệ thống ngân hàng có thể là 12-14 tỷ USD (10% -12% GDP).
ADB cho rằng, các sự kiện bắt giữ và từ chức liên quan đến giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước và cán bộ ngân hàng cao cấp làm dấy lên quan ngại về quản trị doanh nghiệp, sức khỏe tài chính của các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, và năng lực trang trải các khoản nợ ngoài dự kiến của chính phủ.
Liên quan đến việc tái cấu trúc hệ thống NH, theo ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia ADB, khi một ngân hàng có vấn đề được giải cứu thì phải làm rõ ai là người phải chịu trách nhiệm.
Theo quan điểm của ADB, việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ và yếu là một bước đi quan trọng. Các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét thành lập một công ty quản lý tài ản Nhà nước để mua nợ xấu từ các ngân hàng hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán các khoản nợ xấu của khu vực tư nhân, nhưng chưa thấy đề xuất này đạt được tiến bộ rõ ràng.
Ngoài ra, sự suy giảm trong thị trường bất động sản trong 2 năm qua cho thấy giá trị của tài sản thế chấp để cho vay ngân hàng đã suy giảm. Theo dữ liệu thị trường, trong nửa đầu của năm 2012, giá chung cư tại các trung tâm đô thị lớn giảm 5%-10% so với cùng kỳ năm ngoái và giá thuê đã sụt giảm. Tăng trưởng tín dụng yếu và trần lãi suất đang có áp lực tới lợi nhuận ngân hàng.
Ở khía cạnh tích cực, dự kiến hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm 2012 sẽ được cải thiện nhờ các chính sách thực hiện hồi đầu năm và bởi thông thường việc ngân sách có xu hướng được tăng tốc vào cuối năm. Dự kiến kinh phí chi tiêu ngoài ngân sách chính phủ thông qua phát hành trái phiếu trong nước cũng sẽ tăng lên trong nửa cuối năm. Tiêu dùng cá nhân sẽ tăng lên do lạm phát thấp hơn.
Cần một quyết tâm chính trị cao
Đại diện ADB cũng đã thúc giục Chính phủ có “hành động cụ thể” và “lộ trình thực hiện” nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.
Giám đốc Quốc gia ADB ông Tomoyuki Kimura nói: “Các kế hoạch (tái cấu trúc kinh tế) nghe thì ổn rồi, nhưng kế hoạch chỉ là kế hoạch. Chính phủ cần có hành động và lộ trình cụ thể để thực hiện kế hoạch đó”.
ADB ghi nhận, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cải cách lĩnh vực tài chính, và cải cách doanh nghiệp nhà nước nhưng ít có hành động nào cụ thể nhằm hiện thực hoá.
Ông nói: “Tuy nhiên, kế hoạch này không chỉ rõ khi nào tiếp tục hành động đã đề xuất trong khuôn khổ hai kế hoạch này và sẽ được thực hiện như thế nào. Cam kết của chính phủ về thực hiện một lộ trình cải cách đáng tin cậy với các hành động có thời hạn cụ thể sẽ phục hồi cho vay và cải thiện niềm tin của thị trường”, và nhấn mạnh thêm: “Chính phủ cần tránh xu hướng thực hiện các chính sách trái ngược nhau như đã diễn ra trong lịch sử”.
Cảnh báo cuối cùng trong bản báo cáo được ghi: “Cuối cùng, những nỗ lực nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần có thể làm chính phủ xao lãng nhiệm vụ giải quyết những trở ngại về mặt cấu trúc nhằm mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn, chẳng hạn như các điểm yếu trong hệ thống tài chính, các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, tình trạng thiếu điện, và các hạn chế khác”.
ADB nhấn mạnh: Niềm tin vào sự sẵn sàng của chính phủ để giải quyết các cải cách cơ cấu sẽ được tăng cường thông qua việc công bố nhiều hơn nữa về tiến độ thực hiện mục tiêu cải cách và việc công bố thông tin tài chính về các ngân hàng và doanh nghi ệp nhà nước. Điều này có thể củng cố hơn niềm tin vào quyết tâm tiến hành cải các cấu trúc của chính phủ./.