Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa (trần vé máy bay) vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến giá vé máy bay nội địa. Trong khi đó, hãng bay lại cho rằng, việc tăng trần giá vé không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.

hk6_COPT.jpg
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa (trần vé máy bay) vì cho rằng sẽ ảnh hưởng đến giá vé máy bay nội địa. 

Theo Cục HKVN, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ổn định giá cả, hạn chế các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội là cần thiết. Do đó, cơ quan này đề xuất thạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển.

Đáng nói, trước đó, đầu tháng 3/2020, chính Cục HKVN đã có văn bản đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành”.

Lý giải cho sự thay đổi này, Cục HKVN cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến vận tải hàng không, khiến giá nhiên liệu Jet A1 giảm.

“Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA ngày 9/4/2020, giá nhiên liệu Jet A1 ở khu vực châu Á giảm còn 24,66 USD/thùng. Dự báo mức giá bình quân năm 2020 là 56,9 USD/thùng”, Cục HKVN phân tích.

Theo Cục HKVN, trong giai đoạn thị trường phát triển ổn định (khi chưa có dịch), giá nhiên liệu cơ bản có xu hướng tăng cao. Do đó, việc xây dựng chính sách cần xem xét xu hướng tăng trở lại của giá nhiên liệu bay khi thị trường dần hồi phục.

Thêm vào đó, giai đoạn hiện nay, với tác động nặng nề của dịch Covid-19, sản lượng hành khách, hệ số ghế sử dụng và doanh thu của các hãng sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, hàng loạt chi phí khác lại gia tăng như chi chi phí bảo đảm an toàn phòng chống dịch, chi phí sân đậu tàu bay… làm chi phí trên mỗi chuyến bay và trên hành khách tăng cao.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho rằng giá vé là yếu tố lựa chọn đầu tiên của phần đông hành khách. Giá thấp đương nhiên là tốt nhưng nếu chúng ta cạnh tranh không lành mạnh sẽ ảnh hưởng lâu dài và bền vững của thị trường.

Vietnam Airlines đề xuất điều chỉnh tăng trần giá vé trên các chặng bay từ 500km trở lên.

“Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Bộ GTVT Mỹ không quản lý vấn đề này. Giá cả do các hãng tự quy định. Nhưng ở Việt Nam, một số đường bay chúng ta còn đưa vào luật để quản lý khung”, ông Thắng nói.

Từ đó ông Thắng đánh giá khi có cạnh tranh đầy đủ, lành mạnh nên bỏ quản lý nhà nước về yếu tố này. Nhà nước chỉ can thiệp trong những tình huống đột biến, mang tính khủng khoảng.

Số liệu thống kê từ Vietnam Airlines cho thấy, nếu như năm 2015, chi phí cho một hành khách/km là 1.933 đồng/km, đến năm 2018, con số này là 2.027 đồng/km (tăng 4,8%). 3 tháng đầu năm 2020, khi đã có ảnh hưởng ban đầu của dịch Covid-19, chi phí này là 2.345 đồng/km. Dự kiến cả năm nay, chi phí này sẽ tăng lên tới 12.925 đồng/km (51,3%).

Mặc dù vậy, để đảm bảo ổn định giá cả, hạn chế tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, Cục Hàng không VN vẫn đề xuất “tạm thời chưa xem xét điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa”.

Tăng giá trần không đồng nghĩa với tăng giá vé?

Tuy nhiên, trái ngược quan điểm của Cục HKVN, phía các hãng hàng không lại cho rằng, điều chỉnh tăng khung giá vé như đề xuất vào tháng 3/2020 của Cục HKVN không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.

Cụ thể, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho rằng, dự kiến, sau điều chỉnh mức giá trần về mức như năm 2014 với các đường bay có khoảng cách từ 500km trở lên và giữ nguyên giá hiện tại với các đường bay có khoảng cách dưới 500km sẽ hầu như không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng năm 2020.

Theo ông Lê Hồng Hà, việc để khung giá trần là điểm nghẽn về cơ chế cần giải quyết để bản thân các hãng hàng không Việt Nam có thể thu lợi trong giai đoạn ngắn hạn.

Hiện giá vé máy bay đang được Vietnam Airlines thực hiện theo cơ chế linh hoạt, với nhiều dải giá khác nhau từ thấp đến cao, tùy theo điều kiện vé để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

“Việc này sẽ giúp Vietnam Airlines và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, nâng cấp chất lượng dịch vụ cho đối tượng khách hàng có nhu cầu dịch vụ cao, có thêm các mức giá rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích khách đi máy bay”, ông Hà nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải hàng không phân tích, hiện giá vé máy bay đang được Vietnam Airlines thực hiện theo cơ chế linh hoạt, với nhiều dải giá khác nhau từ thấp đến cao, tùy theo điều kiện vé để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Vị này cũng cho rằng, nếu tăng trần giá vé không đồng nghĩa với việc tăng giá vé mà sẽ tạo điều kiện cho hãng nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng sẵn sàng chi trả giá cao để có thể mua vé sát giờ, điều kiện lịnh hoạt và khung giờ bay đẹp với chất lượng cao. Cùng đó, hãng hàng không sẽ có thêm cơ hội giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường vé rẻ kích cầu…

Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, không nên bỏ khung trần giá vé trên các đường bay nội địa, vì đây là ngành dịch vụ mà người bán chiếm số lượng rất ít nên chưa thể thả việc tự điều tiết cho thị trường được. Hơn nữa, mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp nên vẫn cần vai trò của Nhà nước điều tiết.

TS Tống phân tích: Tổng chi phí tạo ra của các hãng hàng không thì chỉ họ mới biết. Cạnh đó, số lượng các hãng còn khá ít so với nhu cầu đi lại đang tăng nhanh nên chưa thể buông cho các hãng tự quyết. Bởi không có công cụ kiểm soát, có thể các hãng sẽ bắt tay làm giá, phần thiệt thòi sẽ thuộc về người dân. Thay vào đó, có thể duy trì và điều chỉnh tăng, giảm trên khung giá trần cho đến khi mặt bằng thu nhập tăng lên, đồng thời có công cụ kiểm soát tốt mới nên bỏ khung giá trần.

“Khung trần với năm nhóm khoảng cách bay với các dải giá như hiện tại chưa phù hợp nên cần tính toán điều chỉnh chặt chẽ hơn. Đồng thời phải tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch rồi mới tính đến việc các hãng bay tự quyết về giá bay”, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống kiến nghị.

Được biết, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục HKVN chủ trì, xem xét phân tích vấn đề trên và có báo cáo Bộ trước ngày 31/5/2020.

Trước đó, đầu tháng 3/2020, Cục HKVN đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định năm 2014.

Cụ thể, Cục HKVN đề xuất giữ nguyên giá trần cho các đường bay kinh tế - xã hội (1,6 triệu đồng) và các đường bay khác dưới 500km (1,7 triệu đồng), đồng thời tăng giá trần đường bay có cự ly vận chuyển 500 - 850km từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tăng 2,27%).

Giá trần đường bay từ 850 - 1.000km cũng được đề xuất tăng từ 2,79 triệu lên 2,89 triệu đồng (tương đương 3,58%). Đường bay từ 1.000 - 1.280km tăng từ 3,2 triệu lên 3,4 triệu đồng (tương đương 6,25%) và đường bay từ 1.280km trở lên sẽ tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tương đương 6,67%).

Đề xuất này của Cục HKVN được đưa ra trên cơ sở biến động chi phí đầu vào. Cụ thể, theo thống kê, tháng 2/2020, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á là 65,27 USD/thùng (tăng 11,36% so với thời điểm tháng 8/2015). Thuế nhập khẩu 7%, tỷ giá tăng khoảng 3,25% so với thời kỳ tháng 8/2015; Thuế bảo vệ môi trường tăng 200% (từ 1.000đ/l lên 3.000đ/l). Biến động của giá nhiên liệu và tỷ giá trong thời gian từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2020 tác động làm tăng khoảng 5,62% chi phí một chuyến bay./.