Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố một số biện pháp can thiệp mạnh vào thị trường tiền tệ: tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh tỷ giá. Theo các chuyên gia kinh tế, các quyết định này là cần thiết đối với kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Giảm áp lực mất giá VND
Ngân hàng Standard Chartered vừa có bản báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% và điều chỉnh tỷ giá.
Theo báo cáo này, mặc dù việc tăng lãi suất cơ bản được coi là một dấu hiệu tương đối tích cực đối với đồng VND, nhưng dường như dòng tiền vẫn đang có những vận động tiêu cực. Cán cân thanh toán trong ngắn hạn vẫn tiếp có thể tục gây áp lực gia tăng lên tỷ giá USD-VND bởi dòng vốn FDI đang yếu đi và dòng kiều hối chuyển về nước không thể bù bắp được thâm hụt thương mại.
Ông Tai Hui, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu khu vực châu Á của Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng, có hai nhân tố khiến áp lực lên đồng VND giảm. Thứ nhất là việc giá vàng tăng đã khiến nhà đầu tư trong nước quan tâm tới vàng nhiều hơn là tiền đồng. Nhân tố thứ hai là do thâm hụt thương mại có khả năng gia tăng trở lại vượt 2 tỷ USD mỗi tháng. Mặc dù mức thâm hụt này vẫn thấp hơn mức 2,5 – 3,0 tỷ USD trong nửa đầu năm 2008 nhưng đã làm đã làm dấy lên những quan ngại về áp lực cán cân thanh toán, đặc biệt khi vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và dòng kiều hối được dự đoán chỉ tăng từ từ.
* Ngân hàng nhà nước Việt Nam tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% * Biên độ giao dịch USD-VND thu hẹp từ 5% xuống 3%, tỷ giá tham chiếu giảm còn 5,44% * Tỷ giá chính thức tăng 3,4% (từ 17.886 đồng lên 18.500 đồng) |
Quyết định giảm biên độ giao dịch tỷ giá hối đoái của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần làm giảm sự chênh biệt lớn giữa tỷ giá niêm yết chính thức và tỷ giá “chợ đen”.
Ông Tai Hui cũng đưa ra dự đoán về tỷ giá hối đoái thời gian tới. Theo đó, tỷ giá USD-VND sẽ ở mức 18.500 đồng/USD vào cuối năm 2009 và tăng 18.600 đồng/USD vào cuối quý 1 năm 2010, tiếp đó sẽ tăng lên 18.800 vào cuối quý 2 năm 2010, 18.900 vào cuối quý 3 năm 2010 và vào quý 4 năm 2010 sẽ là 19.000 đồng. “Chúng tôi vẫn dự đoán mức tỷ giá hối đoái của đồng VND trong ngắn hạn và trung hạn ở mức trung lập” – ông Tai Hui nói.
Với việc tăng tỷ lệ lãi suất, theo ông Tai Hui, là sự bắt đầu của một chu kỳ tăng mới. “Hiện tại chúng tôi dự kiến lãi suất cơ bản sẽ đạt mức 10% vào quý 4 năm 2010, tăng hơn so với dự kiến trước đây của chúng tôi (là 9%). Điều này dẫn tới lãi suất cho vay tối đa có thể đạt mức 15%” – ông Tai Hui nói.
Bước khởi đầu cho thắt chặt tiền tệ
Nhìn lại các chính sách tiền tệ trước đây, chúng ta đã nâng lãi suất cơ bản lên mức khá cao, tới 14% và sau đó phải liên tục giảm. Đến tháng 4/2009, lãi suất cơ bản chỉ còn 7%, lãi suất tái chiết khấu ở mức 5%. Các mức lãi suất này được duy trì trong thời gian tương đối dài cho đến nay.
Vì vậy, theo TS Vũ Đình Ánh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đây là biện pháp thắt chặt dần chính sách nới lỏng tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 lên tới 33%, đến tháng 11 là 34% và khả năng cả năm, nếu không kiểm soát tốt sẽ lên tới 40%.
“Theo tôi việc điều chỉnh lãi suất cơ bản cũng là biện pháp kịp thời trong thời điểm này” – ông Ánh nói.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, vấn đề quan trọng hơn nhiều là trong năm nay tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn tăng cao hơn tốc độ huy động tiền gửi. Hiện chúng ta đang áp dụng trần lãi suất tín dụng 150% so với lãi suất cơ bản. Do đó khi điều chỉnh lãi suất cơ bản sẽ giúp ngân hàng tăng được lượng huy động tiền gửi. Việc tăng này là bước đi trước để giảm bớt nguy cơ lạm phát cao quay trở lại trong năm 2010. Với mức điều chỉnh này, trần lãi suất huy động sẽ lên tới 12% và các ngân hàng hoàn toàn có thể chấp nhận mức huy động 11% để thu hút vốn, đảm bảo khả năng cho vay và tính thanh khoản của ngân hàng.
Tuy nhiên, theo lo ngại của TS Vũ Đình Ánh, tới đây các ngân hàng sẽ đối mặt với khả năng một số doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất không trả được nợ. Khi đó tỉ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng sẽ tăng.
Để tháo gỡ điều này, theo TS Ánh, các ngân hàng phải đẩy mạnh thu hồi nợ, đồng thời tăng quy mô tín dụng. Một điều mà các ngân hàng cần quan tâm nữa là phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý việc mất cân đối về ngoại tệ, đồng thời phải kiểm soát "bong bóng" tài sản, đặc biệt là cần kiểm soát chặt khối cho vay bất động sản, chứng khoán.
“Quan điểm của tôi, điều chỉnh lãi suất cơ bản thì hỗ trợ lãi suất phải dừng. Vì điều chỉnh thắt chặt tín dụng mà vẫn dùng hỗ trợ lãi suất, kể cả ngắn hạn và trung, dài hạn, thì sẽ làm mất hiệu lực của chính sách tiền tệ” – ông Ánh nói.
Trước tình hình giá USD và vàng liên tục có những biến động tăng mạnh trong thời gian gần đây, việc tăng lãi suất cơ bản còn mang ý nghĩa cải thiện giá trị đồng nội tệ, hạn chế áp lực tăng tỷ giá có thể gây biến động xấu đối với kinh tế vĩ mô. Trong khi các nguồn thu ngoại tệ như xuất khẩu hoặc kiều hối không cải thiện nhiều so với năm 2008, việc hạn chế nguồn cung VND bằng việc tăng lãi suất sẽ là một công cụ để bảo đảm ổn định tỷ giá./.