Theo báo cáo thị trường bất động sản của Công ty DKRA Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022 có gần 60 dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2021 với mức từ 9% - 40%. 

Tiến sỹ Đinh Thế Hiển – chuyên gia kinh tế cho rằng: Nửa đầu năm 2022 nền kinh tế của Việt Nam đang phục hồi, tuy nhiên vấn đề tác động mạnh đến bất động sản nghỉ dưỡng là nguồn vốn lại gặp khó khăn do các chính sách kiểm soát tín dụng và hoạt động du lịch quốc tế chưa trở lại bình thường.

Nhận định về cơ hội cho bất động sản nghỉ dưỡng thời gian tới, ông Hiển cho rằng việc đầu tư các hạ tầng giao thông sắp triển khai như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là xung lực cho thị trường phía Nam vì đây là các tuyến đường hướng biển.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: Vướng mắc hiện nay đối với bất động sản nghỉ dưỡng là phải bảo vệ quyền và lợi ích của các bên khi mua loại hình này. Đây là nội dung cần phải hoàn thiện khi sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần ban hành quy chuẩn xây dựng đối với loại công trình xây dựng đưa vào kinh doanh, trong đó có lĩnh vực du lịch. 

Về phía đại diện Bộ Xây dựng, ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết: Đối với vấn đề pháp lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện các quy định pháp luật trong Nghị định sửa đổi các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có cụ thể hoá việc cấp giấy cho loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.

Theo ông Dũng, thời gian tới việc sửa Luật Đất đai và các luật có liên quan sẽ được hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ và liên thông: "Thứ nhất là Luật Đất đai sửa đổi, song song cùng lúc là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cũng sẽ được nghiên cứu, sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2023. Đây là các bộ luật rất quan trọng liên quan đến việc đầu tư, kinh doanh bất động sản sẽ hoàn thiện để đảm bảo tính đồng bộ"./.